Tọa đàm do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban quan hệ đối tác công tư thuộc Ủy ban Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp tổ chức.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững” của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với VCCI và VIAC thực hiện.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện nay, song song với việc thu hút, khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa là những áp lực ngày một nặng nề hơn đối với nhiệm thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị. Ở các nước phát triển, bản thân rác thải, nước thải đã được chuyển thành nguồn tài nguyên tái tạo lớn và những nước này đang hướng tới sang nền kinh tế tuần hoàn, đem lại sự phát triển bền vững.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đề ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng có mục chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%.
Theo đó, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10 - 20 tỷ USD. Chủ tịch VIAC lưu ý, để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn ngày càng tốt hơn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn 45/63 tỉnh/thành phố là khoảng 51.586 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667 tấn/ngày), trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt lớn nhất (tương ứng là 6.149 tấn/ngày và 8.900 tấn/ngày).
Tại các đô thị, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở mức cao, khoảng trên 96%.
Đối với nước thải, lượng nước thải sinh hoạt (nước thải đô thị) phát sinh khoảng 3.650 triệu m3/ngày đêm. Trong tổng số 846 đô thị trên cả nước, có 38 đô thị đã có công trình xử lý nước thải,chiếm tỷ lệ 4,4%; trong đó, tỷ lệ đô thị loại I có công trình xử lý nước thải là 77%, đô thị loại II là 40%, đô thị loại III là 29,16% và đô thị loại V là 4,3%. Tổng cộng có 69 công trình xử lý nước thải.
Đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như nước thải chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trong đó vốn vay ODA là chính), trong khi nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn. Đơn cử, đối với nước thải, có 53/69 dự án từ nguồn vốn vay ODA, còn lại là dự án theo hợp đồng đối tác công tư (PPP).
Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, việc thu hút PPP trong xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn đang gặp nhiều khó khăn nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Các dự án đầu tư thường có lợi nhuận không cao nên có ít nhà đầu tư quan tâm, chưa kể khó khăn về giá dịch vụ, về giá, cơ chế mua bán điện (dự án đốt rác phát điện), về ưu đãi đầu tư, thủ tục môi trường... Ở nhiều địa phương đang triển khai quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải để kêu gọi các nhà đầu tư nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Để thu hút đầu tư PPP trong việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn, các đại biểu đề nghị các Bộ ngành sớm ban hành hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Những ý kiến đóng góp tại tọa đàm sẽ là nguyên liệu để xây dựng Báo cáo rà soát đánh giá các hướng dẫn của mẫu hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT), đồng thời là một nguồn thông tin tham khảo tốt cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước, phía cơ quan nhà nước phụ trách tham gia ký kết hợp đồng BLT và phía nhà đầu tư tư nhân.