Trước bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã có nhiều thay đổi đáng kể trong ứng dụng chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững,…
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều ngân hàng đã và đang ứng phó với những thay đổi của thị trường bằng cách hợp tác với Fintech để đưa ra các dịch vụ kỹ thuật số mới nhằm chủ động thích ứng với bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó, ngành ngân hàng đã tích cực chuyển đổi số một cách sâu, rộng, có tính liên kết cao, sự chuyển đổi ấy không chỉ đơn giản là ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain... thay vào đó là chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hóa kinh doanh của ngân hàng trên nền tảng đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc số hóa ngân hàng sẽ tạo ra các cơ hội mới, nhưng vẫn còn tiềm ẩn thách thức.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua đã được đánh giá là bước vào giai đoạn bùng nổ, dù có rủi ro. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Đồng thời, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số.
Theo Chủ tịch EY Consulting Việt Nam Nguyễn Thùy Dương, các ngân hàng phải đối mặt với môi trường đầy thách thức như cải thiện ROE, tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng siết chặt, xu hướng phi trung gian hóa và những người mới tham gia tập trung vào phân khúc thị trường cốt lõi và nhóm doanh thu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đang đòi hỏi nhiều tiện ích hơn từ ứng dụng của ngành ngân hàng... Đặc biệt, sự cạnh tranh, phát triển ngày càng mạnh mẽ từ các công ty Fintech. Minh chứng là chỉ trong năm 2021 đã có 30 tỷ USD đầu tư vào Blockchain, 201 tỷ USD đầu tư vào Fintech, 51 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực thanh toán ngành ngân hàng,...
Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á và Nam Á Backbase Riddhi Dutta cho biết, có rất nhiều điểm chạm với khách hàng (website, trung tâm khách hàng, ứng dụng,...). Tuy nhiên, điều khiến nhiều ngân hàng chưa thành công là chưa hiểu được những gì cần thiết cho những điểm chạm, biến những điểm chạm trở nên hỗn độn, tích hợp một cách rời rạc và khiến ngân hàng không thể đem lại cho khách hàng trải nghiệm đồng bộ.
“Không chỉ có các ngân hàng ở Việt Nam mà nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới cũng đang triển khai nhiều điểm chạm nhưng lại thiếu đi sự tương tác, không có sự kết nối, tạo ra nền tảng không có sự gắn kết với khách hàng. Muốn khách hàng lựa chọn sản phẩm dịch vụ, các ngân hàng cần tạo ra các dịch vụ khác biệt song không nên dành quá nhiều thời gian để xây dựng lại nhiều lần hay xây dựng lại từ đầu nền tảng cốt lõi. Mà cần tạo ra một nền tảng, tạo ra mô hình sạch, tinh gọn, dễ triển khai, dễ bảo trì, dễ nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khách hàng...", ông Riddhi Dutta cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30 - 40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Ứng dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam hiện đã bắt kịp thị trường, đáp ứng những nhu cầu mới của khách hàng. Tỷ lệ khách hàng cá nhân tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương tích cực sử dụng dịch vụ ngân hàng số đã tăng từ 55% vào năm 2017 lên 88% vào năm 2021. Đối với thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng này đạt 41% vào năm 2017 lên 82% vào năm 2021. Có khoảng 73% lượng khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau. Điều này có nghĩa là họ sử dụng kết hợp ngân hàng số và các chi nhánh vật lý truyền thống.
Theo Phó Tổng giám đốc VietinBank, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Trần Công Quỳnh Lân, với nhiều quy định mới được ban hành cùng nỗ lực số hoá mạnh mẽ của toàn ngành giúp cho các NHTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ra đời là “cú hích” giúp các ngân hàng thương mại bùng nổ dịch vụ số. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng đang muốn sáng tạo nhiều sản phẩm mới hơn nữa, khuyến khích khách hàng online hoàn toàn nhưng nhiều dịch vụ như cho vay, đầu tư vẫn chưa được cho phép thực hiện online 100%.
Quyền Giám đốc Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) Cù Trung Kiên cho biết, MBBank tăng trưởng 20 - 30% năm, nếu không tập trung hoá, tự động hoá, tối ưu hoá quy trình thì không thể đáp ứng kịp quy mô tăng trưởng khách hàng. Mặt khác, hiện nay nhiều khách hành không đến giao dịch tại các quầy giao dịch và chi nhánh truyền thống. Khách hàng đã có thói quen sử dụng ứng dụng ngân hàng, giáo dịch online.
“Chúng tôi luôn đưa ra những sản phẩm mới và chấp nhận thất bại để có thể mang đến những trải nghiệm, sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Nhưng khi triển khai, nhiều quy trình trong quá trình tự động hoá gặp phải những vướng mắc về mặt pháp lý, khiến trải nghiệm của khách hàng không được như mong đợi. Vì thế, cần sửa đổi, mở rộng, hoàn thiện hành lang pháp lý của chính những ngân hàng và của các cơ quan quản lý để cải thiện các quy trình, tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai các dịch vụ số, chuyển đổi số, đồng bộ, tối ưu hoá quy trình. Vì chỉ khi cho phép các dịch vụ ngân hàng được thực hiện online 100%, như vậy mới mang tới một ngân hàng số đích thực,…”, ông Kiên chia sẻ.
Để kiến tạo ngân hàng số gắn với tương tác, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm Sandbox cũng cần sớm ban hành, thông qua Luật Giao dịch điện tử sửa đổi… Từ đó, giúp các ngân hàng tự tin, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có thể thử nghiệm những công nghệ mới. Mặt khác, quá trình hoàn thiện lang pháp lý cần phải lấy ý kiến từ thực tiễn để đảm bảo tính phù hợp.
“Năm 2023 sẽ là một năm đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Bởi vậy, ngành ngân hàng cần có những bước đột phá mới để thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, hiệu quả hơn và bền vững hơn”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.