Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ từ trong nhà trường

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, cần phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ từ trong nhà trường; hạn chế tình trạng lây lan, phát tán các ổ dịch trong trường học.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn vừa đến thăm, làm việc với một số đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương này.

Có thể đạt đỉnh dịch tay chân miệng trong thời gian tới

Tại buổi làm việc ở Trường Mầm non Thành phố (Phường Võ Thị Sáu, quận 3), đoàn công tác đã kiểm tra tình hình phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Bà Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù đang thời gian nghỉ hè nhưng trường vẫn tổ chức hoạt động và có khoảng 80% trẻ tham gia học hè. Công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ vì vậy cũng được tăng cường chặt chẽ hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn công tác đã hướng dẫn thêm công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ như cách kiểm soát nhiệt độ, dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt, đoàn công tác lưu ý, trường phải chú ý tới những bé có biểu hiện sốt, nổi mụn đỏ ở khu vực tay chân miệng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện cho biết tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây, dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt, số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước và đã có 4 ca tử vong.

Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, những năm trước, phải đến tháng 8 - 9, bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay, đến thời điểm này bệnh đã tăng và có thể đạt đỉnh dịch trong thời gian tới.

Điều đặc biệt là hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.

Ông Hùng cho hay, tay chân miệng là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh. Nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng.

Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé mắc bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi 2 tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực. Chỉ trong ngày 21.6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh.

“Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống. Chẳng hạn, bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây một tuần, 3 ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Sau đó, bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình.

Đến ngày thứ năm, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp. Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để thở máy, song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu”, TS Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ từ trong nhà trường -0
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh)

Hạn chế tình trạng lây lan, phát tán ổ dịch trong trường học

Nói về tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại.

Đối với TP. Hồ Chí Minh hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, GS Lân cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc, hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong.

Ghi nhận tình hình thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác điều trị bệnh tay chân miệng nói riêng và các dịch bệnh khác của Bệnh viện Nhi đồng 1 nói chung, giúp giảm biến chứng, tử vong ở trẻ em.

Thứ trưởng nhận định, với tình hình dịch bệnh hiện tại, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục đến người dân. Đặc biệt, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phải phối hợp với Sở GD-ĐT để giáo dục, phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường. Hạn chế tình trạng lây lan, phát tán các ổ dịch trong trường học.

Tuy nhiên, trước tình hình phần lớn ca bệnh đều đến từ các tỉnh lân cận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng các bệnh viện, đặc biệt là 4 bệnh viện truyền nhiễm ở TP. Hồ Chí Minh phải hỗ trợ và phối hợp với bệnh viện địa phương để có phân tuyến khoa học, phù hợp: ca bệnh ở mức độ nào thì nên chuyển lên tuyến trên, ca nào có thể điều trị được ở địa phương. Từ đó, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành địa phương tham gia phòng chống dịch tay chân miệng. Còn các cơ sở địa phương phải chủ động phòng chống bệnh; phân luồng, phân loại bệnh nhân; hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến phù hợp.

Sức khỏe

Trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá
Tin tức

Trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá

Mới đây, Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024. Hội nghị nhằm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở ở Hà Tĩnh trong công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á
Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và các kỹ sư từ Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Đại học VinUni đã thực hiện thành công ca phẫu thuật triệt căn khối u trung thất với kích thước 11,5 cm và tái tạo lồng ngực cho bệnh nhân bằng vật liệu Titan.

Tranh thủ các chính sách về thu hút, đào tạo, đãi ngộ để nâng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế.
Tin tức

Đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật trong ngành y tế tỉnh Bình Thuận

Từ hiệu quả triển khai Đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, đồng thời tăng cường phối hợp với bệnh viện tuyến trên TP. Hồ Chí Minh để nhận chuyển giao nhiều gói kỹ thuật chuyên sâu, những năm gần đây, ngành y tế tỉnh Bình Thuận đạt được một số kết quả nhất định trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh
Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế dây chuyền khám và tiêm hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trên cả nước và tại 39 trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển tiêm hơn 1.200 mũi vắc xin các loại trong ngày đầu chiến dịch tăng cường, trong đó có gần 200 mũi vắc xin sởi miễn phí.

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
Sức khỏe

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Ngay sau cơn bão số 3 - Yagi vừa qua, FPT Long Châu đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương và các cơ quan báo chí để thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.