Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại Diễn đàn Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khoẻ: Giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo, tổ chức ngày 29.10 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đổi mới y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Quá trình đổi mới được lặp đi lặp lại và có thể phát sinh những ý tưởng mới hoặc kết hợp các khái niệm hiện có.
Sự đổi mới có thể là các giải pháp công nghệ đột phá thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học để giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và luôn biến động theo sự phát triển của xã hội và mô hình bệnh tật. hìn lại lịch sử, phần lớn sự tiến bộ trong y tế đã được thúc đẩy bởi sự đổi mới, sáng tạo trong từng hoạt động hằng ngày của đội ngũ y, bác sĩ và các nhà khoa học liên quan trong điều trị, dự phòng, nghiên cứu, thực hành,…
“Trong 3 năm qua, Covid-19 đã làm cho đổi mới y tế trở nên phổ biến hơn, liên quan đến nhiều tác nhân hơn bao giờ hết như giám sát bộ gen và chia sẻ dữ liệu cho SARS-CoV-2, vắc xin mRNA, y tế từ xa, hệ thống quản lý lâm sàng…
Đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng, công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học”, Thứ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh, sự đổi mới sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khoẻ.
Những thách thức và nhu cầu này diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay có 5 khía cạnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế.
Thứ nhất là Đổi mới công nghệ: Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới chăm sóc sức khoẻ, bao gồm việc phát triển các thiết bị y tế mới, thiết bị chẩn đoán, các giải pháp y tế từ xa, hồ sơ sức khoẻ điện tử, hệ thống thông tin y tế.
Thứ hai là Ứng dụng kỹ thuật số: Việc tích hợp các công nghệ kỹ thuật số trong thiết bị y tế giúp theo dõi sức khoẻ liên tục, từ xa, tiếp nhận kịp thời thông tin tư vấn y tế.
Thứ ba là Dự đoán xu hướng dịch bệnh qua phân tích dữ liệu lớn: Phân tích dữ liệu và công nghệ dữ liệu lớn đang được sử dụng trong trích xuất thông tin giúp dự đoán sự bùng phát dịch bệnh và xu hướng biến đổi của cơ cấu bệnh tật của cộng đồng.
Thứ tư là Công nghệ sinh học: Đổi mới công nghệ sinh học liên quan đến việc điều khiển các quá trình sinh học để phát triển các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị, các liệu pháp tiến tiến như liệu pháp gen, tế bào gốc, y học tái tạo.
Thứ năm là Y học từ xa (telehealth): Những đổi mới về y học từ xa đã mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, cho phép tư vấn từ xa với các nhà cung cấp dịch vụ, giảm nhu cần thăm khám trực tiếp, cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo, y tế cơ sở và trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
“Mục tiêu của Bộ Y tế trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho y tế từ xa, đặc biệt là triển khai các Nền tảng số y tế, trong đó có Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth)”, Thứ trưởng nói.
Được biết, hiện Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) đang đẩy mạnh các nền tảng như hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa Vteleheath, hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý tiêm chủng và quản lý trạm y tế. Các ứng dụng này có thể dễ dàng tích hợp với các nền tảng của cơ sở y tế khác. Trong đó, ứng dụng Vtelehealth trong 9 tháng vận hành, ứng dụng đã thu hút hơn 1.000 bác sĩ của 76 cơ sở khám, chữa bệnh tham gia. Kết quả 11.300 phiên khám, tư vấn bệnh được thực hiện.
Diễn đàn Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khoẻ: giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo do Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp chủ trì trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Các chủ đề được đưa vào chương trình tham luận phản ánh được nhu cầu, xu hướng cấp thiết trong đổi mới sáng tạo ngành y tế như: Các mô hình Telehealth, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị, công nghệ tiên tiến trong y tế công cộng,..
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đổi mới sáng tạo trong y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để mang lại những thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Thông qua Diễn đàn, ngành Y tế rất mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học & Công nghệ.