Đầu tư khai thác thế mạnh
Tại một diễn đàn du lịch mới đây, TS. Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ kết quả khảo sát khách quốc tế đến sân bay Nội Bài. Theo đó, nhiều khách quốc tế bày tỏ cảm giác sân bay lạnh lẽo, những khuôn mặt không một nụ cười hay lời chào, dù ngày hay đêm.
Trong khi vừa rồi TS. Trịnh Lê Anh cùng đoàn famtrip đi Dubai thì được đón chào với không khí khác hẳn. Cảnh sát mặc thường phục, đóng hộ chiếu luôn nở một nụ cười thân thiện cùng câu nói Welcome to Dubai! (Chào mừng bạn đến Dubai!).
"Chưa kể những chỉ dẫn nhiệt tình cho khách tại khu nhận hành lý, nơi check-in ngay tại sân bay. Nghĩa là từ lúc xuống máy bay tới khi ra khỏi máy bay là một trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Với Việt Nam, điều này còn đang thiếu", TS. Trịnh Lê Anh nhận định.
CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, để khách quốc tế đến và quay lại Việt Nam nhiều lần cần tập trung đầu tư cho du lịch bền vững. Ông Nghĩa dẫn chứng, Thụy Sĩ là một trong những nước phát triển tốt về du lịch bởi họ đưa tiêu chí rõ ràng về du lịch bền vững. Khẩu hiệu Super đã được quốc gia này truyền thông toàn cầu.
"Việt Nam nên chọn slogan nhấn đúng vào thế mạnh du lịch Việt Nam, đó là an toàn và bền vững. Đây là slogan hội tụ nhiều ý nghĩa mà lại dễ hiểu", ông Nghĩa đề xuất.
Xây dựng tuyến phố văn minh thương mại
Nhằm xây dựng điểm đến, góp phần thu hút khách quốc tế, nhiều địa phương đã lựa chọn sản phẩm du lịch đặc thù, mang chiều sâu văn hóa, có chất lượng cao, không chỉ về cảnh quan tự nhiên, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mà còn là du lịch hội nghị - hội thảo, hay những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt. Như Ninh Bình đã hình thành thương hiệu du lịch với các điểm đến như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Vườn Quốc gia Cúc Phương; ẩm thực đặc sắc như thịt dê, cơm cháy…
Các thành phố như Hội An (Quảng Nam), Huế, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)… cũng đã và đang thí điểm tuyến phố văn minh thương mại, hướng đến xây dựng các khu phố tham quan, mua sắm văn minh, an toàn, thân thiện.
Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, với bề dày lịch sử, văn hóa, Hội An và các thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch là thách thức không nhỏ. Vì vậy, mô hình phố văn minh thương mại không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn góp phần bảo tồn văn hóa, truyền thống địa phương.
Cũng theo ông Quỳnh, mô hình phố văn minh thương mại là một ý tưởng tốt để phát triển du lịch. Nếu được triển khai đồng bộ và hiệu quả, có thể trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương. “Mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng tại nhiều địa phương có tiềm năng, đặc trưng riêng về văn hóa và du lịch. Nếu chúng ta xây dựng các tuyến phố văn minh sẽ tạo ra không gian giao thương thân thiện, hiếu khách và văn minh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút thêm nhiều du khách, nhất là khách quốc tế”.