Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Luật quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt.
Bên cạnh đó, kết hợp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phải thống nhất theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; bảo đảm bí mật, an toàn, đúng mục đích, công năng sử dụng, phù hợp với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 và Điều 6, có ý kiến đề nghị làm rõ mối liên hệ giữa phân loại và phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; làm rõ công trình loại nào thuộc Nhóm đặc biệt, loại công trình nào thuộc Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III và đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật; rà soát để thống nhất với các quy định của dự thảo Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới, việc phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự là theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng, còn phân nhóm là theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ; loại và nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ làm cơ sở để xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu, nội dung, chế độ, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự cũng như xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Trên thực tế, các loại công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt, Nhóm I, Nhóm II và Nhóm IIIrất đa dạng nên việc giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp với tính đặc thù và bảo đảm yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể từng nhóm, loại công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thay thế từ “là” bằng từ “gồm” tại một số điểm, khoản của 2 điều này cho phù hợp với nội dung điều luật; đồng thời chỉnh lý lại Điều 5 và Điều 6 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Liên quan đến chế độ, chính sách đối với địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (Điều 26), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định “thôn, xã” là khó phân biệt, vì thôn, tổ dân phố, ấp, làng là một tổ chức tự quản; còn xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở. Vì vậy, đề nghị sử dụng cụm từ “xã, phường, thị trấn” cho phù hợp.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thay cụm từ “Thôn, xã trong phạm vi bảo vệ....” bằng cụm từ “Xã, phường, thị trấn trong phạm vi bảo vệ...” tại khoản 1 Điều này để bảo đảm bao quát hết các đối tượng địa phương trong phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt được hưởng chế độ chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.