Thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế cho biết, chiều ngày 3.6, tại Phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Đồng thời, ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình mới.

Thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B -0
Virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh Covid-19 (Hình minh họa)

Cơ sở để chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B

Về cơ sở và căn cứ để Bộ Y tế tham mưu ban hành quyết định chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B và đồng thời ban hành hướng dẫn thực hiện như sau:

Đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và qua theo dõi diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy, bệnh Covid-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Bộ Y tế đề xuất áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm để điều chỉnh bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.

Lý do bởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh Covid-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022 (từ đầu năm 2023 đến ngày 29.5.2023, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc).

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết (0,022%), Sốt rét (0,017%), Bạch hầu (0,102%), Ho gà (0,417%).

Một lý do khác là chúng ta đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus SARS-CoV-2. Bệnh Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Việc phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A tại thời điểm năm 2020 được căn cứ các tiêu chí quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B -0
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bộ Y tế cho biết để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh Covid-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới.

Về thẩm quyền công bố dịch Covid-19

Theo Bộ Y tế, thời điểm Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A: Thực hiện Điểm c Khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế”.

Căn cứ vào điểm này và tình hình dịch Covid-19, năm 2020, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc tại Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1.4.2020.

Khi chuyển bệnh Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, thực hiện theo Điểm a, b, Khoản 2, Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố dịch.

Như vậy, dịch Covid-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Quyết định 447 không còn phù hợp. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực của Quyết định 447.

Sau khi Quyết định công bố hết hiệu lực của Quyết định 447 được ban hành, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc đánh giá tình hình dịch tại địa phương và thực hiện các biện pháp đáp ứng chống dịch theo quy định.

Thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B -0
Nhân viên y tế tới phát thuốc cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, thời điểm dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội

Về điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19

Bộ Y tế cho biết, việc công bố hết dịch Covid-19 cần có 2 điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Thẩm quyền công bố hết dịch khi Covid-19 đang ở bệnh truyền nhiễm nhóm A: Thực hiện theo Điểm c, Khoản 3, Điều 5 của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28.1.2016 của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối với trường hợp dịch mà Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch”.

Khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B: Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của dịch Covid-19 để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật hiện hành.

Do vậy, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.

Cũng theo Bộ Y tế, trong hơn 3 năm qua, để phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương đã ban hành các văn bản để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch, trong đó, có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ.

Bởi vậy, khi chuyển nhóm bệnh Covid-19 sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiện đang được áp dụng cũng như các quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19,…

Ngày 3.5.2023, WHO công bố Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với Covid-19 giai đoạn 2023-2025.

Ngay thời điểm đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025 và đang tổng hợp ý kiến, sớm ban hành Kế hoạch để tiếp tục duy trì, kiểm soát hiệu quả, quản lý bền vững dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như: Bệnh bại liệt, Bệnh cúm A-H5N1, Bệnh dịch hạch, Bệnh đậu mùa,...

Bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B như: Bệnh do virus A-đê-nô (Adeno), Bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Bệnh bạch hầu, Bệnh cúm, Bệnh dại, Bệnh ho gà,...

Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn
Sống khỏe

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn

Trên hành trình tìm con đơn độc của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang (1988, quê Ninh Bình), chưa bao giờ họ muốn bỏ cuộc, cho dù đa số thời gian người chồng công tác xa, không thể chăm sóc động viên vợ mình. Nhưng chính sự yêu thương chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để giờ đây mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười nói của 3 cô con gái đáng yêu.