Kết quả chính thức của cuộc bầu cử lập pháp tại Hà Lan hôm 22.11 cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với tất cả các đảng trung dung, trong đó có Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo cầm quyền của Thủ tướng Balkenende, đều sụt giảm. Trong khi đó, Đảng Xã hội, với một số lãnh đạo là những người cộng sản cũ, giành được “thắng lợi tinh thần” lớn nhất với số phiếu ủng hộ cao gấp 3 lần so với cuộc bầu cử trước nhờ chủ trương bảo vệ người dân khỏi những tác động tiêu cực của quá trình tự do hóa kinh tế. Thế nhưng, cả liên minh trung dung của Thủ tướng đương nhiệm lẫn liên minh cánh tả của Đảng Lao động, Đảng Xã hội dân chủ và các nhà hoạt động môi trường đều không giành được đa số tại Nghị viện.
Thế đôi co về số phiếu giữa phe thiên tả và thiên hữu cho thấy sự “giằng xé” của cử tri Hà Lan. Một mặt, họ ủng hộ chính sách cải cách kinh tế của Chính phủ mãn nhiệm nhưng lại không hài lòng vì phải từ bỏ những quyền lợi về an sinh. Đối với Đảng Xã hội, họ vui mừng khi có một lực lượng cam kết bảo vệ họ trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa nhưng lại lo ngại việc trao Chính phủ cho các nhà xã hội có nguy cơ khiến đất nước tụt hậu về kinh tế.
Kết quả bầu cử đã đưa đến khả năng thành lập đại liên minh giữa phe trung dung và Đảng Lao động. Thậm chí, để bảo đảm thế đa số vững chắc, đại liên minh này còn phải bắt tay với Liên đoàn Thiên chúa giáo và Đảng Xã hội. Tuy nhiên, một chính phủ như vậy có nguy cơ bị chia rẽ bởi lập trường khác biệt của hai phe về vấn đề thuế, lương hưu và nhập cư, đặc biệt là kế hoạch cải cách kinh tế của Đảng Dân chủ Cơ đốc sẽ bị kìm hãm bởi những chính sách xã hội tốn kém của Đảng Xã hội. Những hệ tư tưởng khác nhau bị buộc phải ghép cùng nhau sẽ làm cho chính sách của một chính phủ đại liên minh trở nên hời hợt, nửa vời mà minh chứng có thể được nhìn thấy ở ngay các nước láng giềng.
Cuộc bầu cử ở Đức hồi năm ngoái cũng thể hiện sự mâu thuẫn tương tự của cử tri về chính quyền mới: họ thấy biện pháp khôi phục kinh tế mạnh mẽ của ứng cử viên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Angela Merkel là cần thiết, nhưng vẫn lo sợ những tác động tiêu cực mà chính sách đó đó gây ra. Cuối cùng, cả phe tả và hữu đều không giành được đa số rõ rệt và bà Merkel buộc phải lãnh đạo một “đại liên minh” đầy mâu thuẫn với Đảng Xã hội Dân chủ. Sau một năm điều hành, Thủ tướng Merkel không thể đưa ra chính sách tăng thuế và cải cách hệ thống bảo hiểm y tế do bị trói buộc vào một liên minh không có động lực mà ở đó, hai phe đối lập buộc phải nhượng bộ nhau.
Italy có hơi khác một chút do phe trung – tả của ông Romano Prodi giành được thế đa số dù rất sít sao. Tuy nhiên, trong bối cảnh những đòi hỏi về cải cách kinh tế đang trở nên bức thiết để chống chọi với sức cạnh tranh mãnh liệt của Trung Quốc và các nước mới nổi, liên minh không vững vàng của ông Prodi, chiếm đa số tại Thượng viện chỉ nhờ nhiều hơn một ghế, không hứa hẹn những thay đổi chính sách triệt để.
Ở Cộng hòa Séc, tình trạng bế tắc sau bầu cử đã kéo dài 5 tháng nay vì cánh tả và cánh hữu đều nhất quyết không hợp tác kể từ khi họ giành số phiếu bằng nhau trong cuộc bầu cử tháng 6.
Bầu cử tháng 10 tại Áo cũng tạo ra một tình thế bế tắc khi cánh tả và cánh hữu đều không giành được đa số cần thiết trong khi những cuộc đối thoại về việc thành lập đại liên minh vẫn chưa ngã ngũ.
Tất cả những kết quả trên cho thấy bằng lá phiếu của mình, cử tri Châu Âu mong muốn gửi đi thông điệp màu xám, màu sắc của nỗi thất vọng, hoài nghi trước những chính sách đổi mới thận trọng và những biện pháp cải cách nửa vời của Châu Âu. Đó cũng chính là những khó khăn mà lục địa Già phải đối mặt khi tham gia vào một thế giới đang toàn cầu hóa mạnh mẽ, ở đó, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ dần định lại luật chơi thương mại.
Trâm Anh