Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang và Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ:

Rà soát, hoàn thiện các quy định để bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện

- Thứ Hai, 17/06/2024, 20:15 - Chia sẻ

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 17.6, các đại biểu Quốc hội Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang và Vĩnh Phúc) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật hiện hành. Tuy nhiên, đề nghị, rà soát, hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật để bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện.

Rà soát, hoàn thiện các quy định để bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện -0
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 5

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành với các lý do được Tờ trình của Chính phủ đưa ra. ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng ban hành năm 2008, qua 15 năm thi hành đến nay có nhiều quy định không theo kịp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nên việc sửa đổi là cần thiết.

Rà soát, hoàn thiện các quy định để bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện -0
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thảo luận tại tổ

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lưu ý, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành cần chú ý bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; bảo đảm thu đúng thu đủ vào ngân sách Nhà nước, cũng như ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, chú ý khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật hiện hành trong thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 7 về giá tính thuế quy định: "Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này". Tuy nhiên, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) nhấn mạnh, quan điểm, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại khoản 7, Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 cũng đã coi chi phí ủng hộ địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, chi từ thiện… là chi phí được miễn thuế. Trong trường hợp doanh nghiệp cho biếu tặng hàng hóa, dịch vụ vì mục đích từ thiện, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu; nếu phải nộp thuế GTGT cho lượng hàng hóa, dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tiền từ nguồn thu khác, như vậy là bất hợp lý. Do đó, cần được cân nhắc, bổ sung theo hướng hàng hóa dịch vụ này với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng không.

Tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật quy định “sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu”. Tương tự, tại điểm d, khoản 2, Điều 9 về áp dụng mức thuế suất 5% cũng quy định “sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường”. Tại khoản 5, Điều 9 quy định “sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường”.

Rà soát, hoàn thiện các quy định để bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện -0
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thảo luận tại tổ

Dẫn các quy định nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng nêu thực tế: Qua nắm bắt tình hình triển khai của các cơ quan thuế và doanh nghiệp ở địa phương nhận thấy, các quy định nêu trên đều sẽ có khả năng gây khó khăn cho quá trình thực hiện, vì Luật hiện hành và dự thảo Luật đều chưa quy định rõ “sơ chế thông thường” là như thế nào? Quyết định 27/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn xác định một số mặt hàng qua chế biến cũng chưa giải thích về khái niệm này.

Nêu ví dụ cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, trong thực tế, có doanh nghiệp ở Kiên Giang đi mua sản phẩm thịt nghêu ở địa phương khác đã rất lúng túng trong áp dụng cách tính thuế GTGT khi địa phương này coi là sản phẩm đã qua chế biến, nhưng địa phương khác lại coi là sơ chế thông thường. Cơ quan thuế ở hai địa phương không thống nhất đây là loại hàng hóa nào nên đến nay vụ việc của doanh nghiệp chưa được giải quyết.

Do vậy, đại biểu đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định khái niệm “sơ chế thông thường” tại dự thảo Luật. Hoặc, Cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện như kiến nghị của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang là bỏ cụm từ “sơ chế thông thường” trong các quy định nêu trên tại dự thảo Luật, vì về bản chất đây là sản phẩm chế biến ban đầu, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan thuế trong thực hiện cách tính thuế.

Về các trường hợp hoàn thuế, đại biểu cũng cho biết, cơ quan thuế ở địa phương phản ánh, quy định tại khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật “cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng” là chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Doanh nghiệp sẽ rất khó để thỏa mãn hai điều kiện được khoản 1, Điều 15 quy định.

“Nếu giữ quy định như nêu trên tại dự thảo Luật, doanh nghiệp nộp thuế từ đầu năm sẽ phải để đấy đến cuối năm mới được hoàn thuế. Thời gian hoàn thuế lâu như vậy sẽ tạo khó khăn với doanh nghiệp trong điều kiện nguồn vốn còn hạn chế hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé lưu ý.

Tin và ảnh: Thanh Hải
#