Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Điều tiết nước như điều tiết điện

- Thứ Hai, 05/06/2023, 17:08 - Chia sẻ

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 5.6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, xuất phát từ đặc điểm tài nguyên nước phân bố không đều về mặt lãnh thổ, thời gian và còn tình trạng lãng phí, thất thoát, đặt ra trách nhiệm của Nhà nước là phải điều tiết nước - "điều tiết nước như điều tiết điện" và “nước là một thứ hàng hóa, đã là hàng hóa thì phải trả tiền".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Điều tiết nước như điều tiết điện -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Luật Tài nguyên nước không mấy khi được sửa, nhưng vẫn là với "cách sửa luật cũ, chưa thoát ra hẳn một tư duy mới".

Về phạm vi điều chỉnh, tại Khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật nêu rõ: Luật này quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, sang Khoản 2, Điều 1 lại quy định: Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay nội dung hai điều khoản nêu trên đã mâu thuẫn với nhau khi khoản 1 điều chỉnh cả nước biển, còn khoản 2 thì không điều chỉnh, trong khi đó theo giải thích từ ngữ tại Khoản 1, Điều 3, thì "tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển". Như vậy là Luật có điều chỉnh cả nước biển. Dẫn ví dụ từ một số điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo "tư duy hoặc giải thích rõ hơn nếu không sẽ như Luật cũ".

Phân tích đặc điểm nguồn nước ở nước ta, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tài nguyên nước không chỉ là một ngành quản lý mà cần phải đa ngành, tổng hợp.

Tài nguyên nước của chúng ta phong phú, nhưng phân bố không đều về mặt lãnh thổ và thời gian, "mùa mưa thì thừa". Dẫn thực tế khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Khánh Hòa là địa phương có nhiều sông, mùa mưa thừa hàng tỷ m3 nước, nhưng mùa hạn thiếu hàng trăm triệu m3 nước, đất bị bỏ không nhiều.

Ngoài ra, cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc sử dụng nguồn nước còn lãng phí, khai thác quá mức, ô nhiễm nghiêm trọng... và đây là vấn đề cần đặt ra để xử lý trong dự thảo Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Điều tiết nước như điều tiết điện -0
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp)

Bên cạnh việc sử dụng nguồn nước lãng phí, thất thoát còn là tình trạng "cơ bản không tái tạo và sử dụng lại được". Một ngày biết bao nhiêu triệu m3 nước thải ra, trong khi đó nếu có thể sử dụng công nghệ để sử dụng lại thì rất tốt, thay vì phải khoan, đục... để tạo ra nguồn nước. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, "nước có thể tái tạo và sử dụng lại sẽ là một tài nguyên rất quý". Hiện nay trên thế giới, nước thải cũng được coi là tài nguyên. "Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng cạn kiệt thì liệu trong dự thảo Luật có điều chỉnh việc tái sử dụng hay không?" - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Nhấn mạnh "nước không phải trời cho không mà là tài sản, hàng hóa rất có giá trị và càng ngày càng có giá trị", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, từ những vấn đề đã nêu đặt ra trách nhiệm của Nhà nước là phải điều tiết nước - "điều tiết nước như điều tiết điện", và “nước là một thứ hàng hóa, đã là hàng hóa thì phải trả tiền", "tài nguyên nước là một ngành kinh tế chứ không chỉ là quản lý nhà nước”.

Trong Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.

Ngoài ra, dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản lý tài nguyên nước xuyên suốt là quản lý theo lưu vực sông và có quy định về Tổ chức lưu vực sông trên cơ sở kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhưng thiếu cụ thể. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước (Chương VIII), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp tại các Điều 76 và 77 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của các Bộ, ngành; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ khác có liên quan đến có khai thác, sử dụng nước để việc quản lý được thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực và bỏ sót lĩnh vực quản lý.

Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 76), cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn, bổ sung trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng liên quan đến nguồn nước, an ninh nguồn nước xuyên biên giới, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Trung Thành
#