Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân

- Thứ Ba, 11/10/2022, 18:17 - Chia sẻ

Chiều 11.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Gần 2 năm thực hiện, kết quả vẫn chưa khả quan

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình) trong năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, làm việc với các Bộ, ngành để cùng có sự đồng thuận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế, chính sách mang tính nền tảng, phương án phân bổ vốn nguồn ngân sách trung uơng…

Tuy nhiên, sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được thành lập để thống nhất công tác quản lý và tổ chức thực hiện chung cho cả 3 chương trình, quá trình triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình nằm trong công tác chỉ đạo, điều hành với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, hoàn thiện phương án phân bổ vốn và triển khai thực hiện. Một số bộ, cơ quan trung ương chưa quyết liệt trong quan tâm chỉ đạo, dẫn đến sự chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao… Ở địa phương, hiện nay, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc chưa thống nhất, nhiều địa phương chưa tổ chức cơ quan công tác dân tộc cấp huyện chuyên trách (Phòng Dân tộc) dẫn đến bất cập, khó khăn trong hoạt động quản lý, đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về kế hoạch nhiệm vụ cụ thể trong Quý IV.2022, Chính phủ xác định chỉ đạo cơ quan chủ trì Chương trình và các bộ, cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình triển khai các nhiệm vụ theo phân công thuộc Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác về Chương trình, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra năm 2022. Hoàn thiện phê duyệt phương án phân bổ vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thiện xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình... 

Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình công tác năm 2023, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về Chương trình năm 2023 và cả giai đoạn 1; chỉ đạo địa phương tổ chức triển khai các hoạt động đầu tư bảo đảm kịp thời, đúng kế hoạch; chỉ đạo cơ quan chủ chương trình và các bộ, cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình sát sao nắm tình hình, tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ở địa phương…

Phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân -0
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng, cơ quan chủ trì Chương trình có nhiều nỗ lực trong quá trình chuẩn bị tổ chức để triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành khoảng 110 văn bản về cơ chế, chính sách và văn bản chỉ đạo điều hành.

"Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn của Trung ương đến tháng 10.2022 mới cơ bản hoàn thành là rất chậm. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản này; đồng thời, cần có đánh giá tác động, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nội dung Chương trình ở các địa phương", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh. 

Về kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cuối năm 2022 và năm 2023, Hội đồng Dân tộc chỉ rõ, giai đoạn 1 của Chương trình được thực hiện trong 5 năm nhưng đến nay đã dành tới 2 năm cho công tác chuẩn bị tổ chức thực hiện, trong khi đó, kết quả đạt được vừa qua cũng chưa có nhiều khả quan, kế hoạch nhiệm vụ cụ thể xác định cho cuối năm 2022 và trong năm 2023 cũng vẫn chủ yếu là đôn đốc, chỉ đạo. Do đó, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ làm rõ phương hướng, nhiệm vụ, đồng thời giao nhiệm vụ, xác định trách nhiệm, tiến độ cụ thể đối với từng cơ quan; tập trung quyết liệt chỉ đạo điều hành các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai tốt các nhiệm vụ được giao.

Làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan từ tổ chức thực hiện

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả bước đầu và ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành đã phối hợp xây dựng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn ở Trung ương, địa phương để thực hiện Chương trình. 

Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, kết quả thực hiện hiện nay là quá chậm khi còn 30 địa phương chưa thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để tổ chức thực hiện Chương trình; 7 tỉnh chưa phân bổ, giao vốn của Chương trình; tiến độ giải ngân chung nguồn vốn của Chương trình trong năm 2022 trên cả nước ước đạt 7,88%...

Phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân -0
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan từ quá trình tổ chức thực hiện. Nhấn mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là sự nghiệp lâu dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo thành phong trào vận động trong xã hội để thực hiện. Thực tế triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thông mới và giảm nghèo vừa qua đã cho thấy, bên cạnh nguồn lực nhà nước đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội, sự đóng góp của người dân, các nhà hảo tâm trong nước, ngoài nước, của cộng đồng doanh nghiệp… nên đã đạt được những kết quả rất tích cực. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá một năm triển khai thực hiện Chương trình; rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp. Trên cơ sở đó, xác định tiến độ, thời gian cụ thể, phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, có cơ chế lồng ghép chính sách tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. "Phải bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành phòng tránh các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện triển khai Chương trình…", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ. 

Thành Trung
#