Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV:

Nhân dân là chủ thể sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là bệ đỡ

- Thứ Tư, 19/06/2024, 12:26 - Chia sẻ

Cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, các đại biểu Quốc hội khẳng định, quy định này sẽ tăng cường nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa, tạo ra sự gắn kết giữa văn hóa với phát triển kinh tế.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, sáng nay, 19.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Thiết kế rõ nét hơn chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết, việc xây dựng Chương trình có ý nghĩa quan trọng để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhân dân là chủ thể sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là bệ đỡ -0
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh “nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình này sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách phát triển văn hóa hiện nay, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc”.

Theo ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Chương trình được xây dựng công phu, khá đầy đủ, toàn diện, có tầm nhìn dài hạn và đã làm rõ mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể.

Nhấn mạnh mục tiêu Chương trình hướng đến nhiều người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức thiết chế văn hóa trên phạm vi không gian rộng lớn, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư là cơ sở bảo đảm sự thành công của Chương trình nói riêng cũng như sự nghiệp văn hóa nói chung, với tư cách người dân là chủ thể sáng tạo, làm nên văn hóa và cũng là người thụ hưởng giá trị văn hóa mang lại.

Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân, cộng đồng dân cư vào hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa, lan tỏa, lưu truyền và phát triển giá trị văn hóa. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Nhân dân là chủ thể sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là bệ đỡ -0
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Nếu Nhân dân là chủ thể sáng tạo nên văn hóa thì cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức kinh tế là bệ đỡ, kiến tạo cho những sản phẩm văn hóa được thăng hoa. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế chưa được khẳng định rõ nét trong Chương trình".

Lưu ý vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, cần thiết kế chính sách rõ nét hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ tăng cường nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ. 

Bảo đảm tính đa dạng về văn hóa và tính khả thi

Đi vào các mục tiêu cụ thể của Chương trình, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) lưu ý, mục tiêu số 2 của Chương trình yêu cầu: 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa; việc xác lập mục tiêu này đối với tất cả các vùng, miền, địa phương là chưa hợp lý. Theo đại biểu, cần xem xét, thiết kế chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, theo hướng mỗi vùng, khu vực có đặc trưng riêng, cần có sự lựa chọn cốt lõi làm nền tảng để phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa của vùng đó, bảo đảm tính đa dạng về văn hóa và tính khả thi.

Tại mục tiêu số 4, ít nhất 95% di tích quốc gia quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Tính đến năm 2020, nước ta có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo Luật Di sản văn hóa, trong đó có 112 di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 4.000 di tích quốc gia và nhiều di tích đang bị xuống cấp có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp.

Nhân dân là chủ thể sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là bệ đỡ -0
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Nhiều di tích đã được quan tâm tu bổ, nhưng một lượng lớn lại bị sửa chữa sai quy cách. Việc tu bổ, tôn tạo di tích là công việc phức tạp, cần nhiều thời gian để thực hiện, chi phí đầu tư lớn. Nêu thực tế này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần làm rõ cơ sở, căn cứ xác định và làm rõ tính khả thi của mục tiêu, đồng thời có giải pháp phù hợp để thực hiện thành công.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry lo ngại về việc chuyển dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn II (2026 - 2030) vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030.

Qua rà soát, đại biểu nhận thấy tại nội dung 4: “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa chưa thể hiện rõ các mục tiêu, nhiệm vụ của dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn II (2026 - 2030).

Nhân dân là chủ thể sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là bệ đỡ -0
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo Tờ trình số 165/TTr – CP của Chính phủ về Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, nội dung 4 đề ra 22 chỉ tiêu với 5 nhiệm vụ lớn (24 nhiệm vụ cụ thể).

Cụ thể, có 1 chỉ tiêu về bảo vệ và phát huy giá trị tiêu biểu các loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một và 1 nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại chủ yếu liên quan đến việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, các di tích quốc gia đặc biệt, không liên quan nhiều đến việc thực hiện bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào.

Trong khi đó, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được đưa vào Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Việc thực hiện dự án 6 này của giai đoạn 2021 - 2025 cũng chưa được tổng kết, đánh giá nên chưa có cơ sở để xác định sự cần thiết việc điều chuyển cơ chế thực hiện, đặc biệt là việc bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án…

Do đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị giữ nguyên nội dung dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Hoàng Ngọc
#