Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm:

Làm rõ căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm với người được lấy phiếu tín nhiệm

- Thứ Sáu, 09/06/2023, 18:02 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Năm, chiều nay, 9.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Nhiều tiến bộ, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân

Đa số ĐBQH tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.

Làm rõ căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm với người được lấy phiếu tín nhiệm -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Nhiều đại biểu nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết chính là nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48/50 tổng số người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. HĐND các cấp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 99.836 người, hầu hết đều đạt trên 50% số phiếu "tín nhiệm cao". Kết quả trên đã cho thấy những mặt tích cực của việc triển khai thực hiện quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong công tác quản lý, đánh giá và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) nêu rõ, dự thảo Nghị quyết có rất nhiều thay đổi cơ bản, tiến bộ và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Đơn cử tại Khoản 6, Điều 15 bỏ phiếu tín nhiệm chỉ 2 mức độ là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" là nội dung lâu nay cử tri rất mong đợi.

Bổ sung kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 6), đa số ĐBQH tán thành với quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá, bảo đảm phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và HĐND. Đồng thời, bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các Ban của HĐND; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Làm rõ căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm với người được lấy phiếu tín nhiệm -0
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị, tại Khoản 2, Điều 6 về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cần bổ sung cụm từ “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” vào sau cùng từ “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Bởi, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương nhất quán đã được quy định trong Hiến pháp và quy định tại nhiều Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, được thể chế hóa trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Do đó, việc bổ sung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là phù hợp, bảo đảm việc đánh giá được toàn diện, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Cùng chung quan điểm này, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, làm rõ tiêu chí quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 6 về bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Trong đó, làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

N. Thành
#