Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Không tạo kẽ hở, khoảng trống cho các hành vi vi phạm

- Thứ Năm, 06/04/2023, 17:42 - Chia sẻ

Chiều 6.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đã có 11.685.461 lượt ý kiến góp ý 

Báo cáo một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, tính đến hết ngày 2.4.2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nhóm vấn đề lớn trong dự thảo Luật như: quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; sở hữu đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất; tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai…

Đối với các nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng: Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, dự thảo Luật đã làm rõ khái niệm thế nào là "vì lợi ích kinh tế quốc gia, công cộng". Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với các công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, đây là nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát, tiếp thu sửa đổi dự thảo Luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương dễ áp dụng, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Xem xét rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất

Các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị và việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời cơ bản thống nhất với nhiều điểm mới đã được tiếp thu, bổ sung của dự thảo Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Góp ý vào quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.

Nội dung thông báo thu hồi đất gồm lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi đất; kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.

Đại biểu Lê Thị Song An phân tích, nếu áp dụng trong thực tiễn thì quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp. Thời gian thông báo nêu trên là quá dài, trong khi mục đích việc thông báo thu hồi là để người sử dụng đất biết được quyền sử dụng đất của mình sẽ bị thu hồi để thực hiện công trình, dự án. Việc kéo dài thời gian thông báo thu hồi không có tác dụng để người sử dụng đất đồng thuận chủ trương thu hồi. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất, có thể khoảng 45 ngày với cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.

Liên quan đến quy định các hành vi bị nghiêm cấm của cơ quản quản lý nhà nước gồm 13 nhóm hành vi tại Điều 12 dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) nhận thấy, quy định như vậy là chưa đủ. Đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai để bảo đảm chặt chẽ, không tạo kẽ hở, khoảng trống mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Minh Trang
#