Kết quả thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh

Kết quả thí điểm tốt thì cần nhân rộng

- Thứ Tư, 12/10/2022, 10:54 - Chia sẻ

Việc Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, các cơ chế, chính sách này đã hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của 2 trung tâm lớn của đất nước. Cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, những kết quả đạt được đã khẳng định tính đúng đắn của Quốc hội khi ban hành hai Nghị quyết này.

Kết quả thí điểm tốt thì cần nhân rộng -2
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điểu hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Sáng 12.10, tiếp tục Phiên họp thứ Mười sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 54) và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP. Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội (Nghị quyết số 115). 

Kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết số 54 là cần thiết

Về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54, trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, HĐND, UBND cùng Nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong  thực hiện Nghị quyết số 54.

Kết quả thí điểm tốt thì cần nhân rộng -1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ. Ảnh: Hồ Long

Đối chiếu kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54 cho thấy đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. TP. Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm thực hiện với kế hoạch triển khai kịp thời; kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có sự đóng góp của việc thực hiện Nghị quyết số 54. Chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Các quy định về quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo cơ chế chủ động, linh hoạt, bổ sung thêm nguồn lực trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố... 

Về đề nghị kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 54, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nếu tại Kỳ họp thứ Tư, Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách mới thay thế các chính sách tại Nghị quyết số 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định thì phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết số 54 là cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31.12.2023. Có ý kiến đề nghị, cho phép kéo dài đến hết ngày 31.12.2024 để bù lại tương ứng 2 năm không triển khai được chính sách thí điểm do ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của TP. Hà Nội

Về kết quả kết thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, Thường trực Ủy ban ghi nhận ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 115, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2728-TB/TU; UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND phân công nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. UBND Thành phố đã khẩn trương ban hành các Đề án, hoàn tất thủ tục trình HĐND Thành phố ban hành 6 Nghị quyết để triển khai ngay trong năm 2020. 

Kết quả thí điểm tốt thì cần nhân rộng -0
Đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Với vai trò là thủ đô của cả nước, bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115, TP. Hà Nội đã đạt được một số kết quả như: hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ, yêu cầu quản lý; huy động tối đa nguồn lực tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật; chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; chia sẻ khó khăn và tăng cường gắn kết về nguồn lực, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố…

Có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao với kết quả thực hiện Nghị quyết số 54 và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết này là rất cần thiết; quá trình thực hiện đã chứng minh tính đúng đắn khi phát huy được một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của 2 trung tâm lớn của đất nước là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu thí điểm nếu thấy kết quả tốt và có tính phổ cập thì sẽ xem xét để nhân rộng. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31.12.2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV. Về Nghị quyết số 115, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và TP. Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho Thành phố sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện hai báo cáo trình Quốc hội. 

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Bộ Nhận diện Quốc hội Việt Nam và xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

N. Thành
#