Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV

Chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đặc thù, cá biệt

- Thứ Năm, 27/06/2024, 17:25 - Chia sẻ

Chiều 27.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

quang-phuong.jpg -1
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy

Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác này; luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang được giao đảm nhiệm, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.

Đồng thời, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

thu-phuoc.jpg -2
ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đánh giá cao dự thảo Luật lần này đã cắt giảm từ 42 thủ tục hành chính còn 13 thủ tục hành chính, và hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho cơ sở tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu cho rằng, với những chính sách được sửa đổi, bổ sung lần này đã thể hiện rất rõ sự cân nhắc kỹ lưỡng và tinh thần trách nhiệm của Ban soạn thảo dự án Luật.

Cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo Luật, song theo ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), còn nhiều nội dung Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, với 22/65 điều, chiếm gần 34%.

Để bảo đảm khi Luật có hiệu lực sẽ áp dụng được ngay, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị, cần rà soát toàn diện các quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, chỉ giao cho Chính phủ quy định chi tiết những nội dung nào mang tính chi tiết, cụ thể hoặc đặc thù, cá biệt; còn những nội dung quy định về nguyên tắc chung nên nghiên cứu để quy định ngay trong Luật.

Bổ sung nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Nhiếu ý kiến ĐBQH tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ bảo đảm điều kiện cho hoạt động này.

van-tien.jpg -3
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần bổ sung nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể là Luật này quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện, nhiệm vụ, điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội chưa thể hiện rõ sự khác nhau về đối tượng, phạm vi, tính chất, mức độ giữa Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác cũng như dự thảo Luật này.

hong-hanh.jpg -0
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, làm rõ sự giao thoa về phạm vi điều chỉnh của Luật này với một số luật khác có liên quan. 

“Ví dụ, cùng giải thích từ ngữ về “sự cố”, tại Điều 3, khoản 4 dự thảo Luật quy định, "sự cố, tai nạn là sự việc do khách quan hoặc chủ quan gây ra thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân"; trong khi đó, tại khoản 2 Điều 2, Luật Phòng thủ dân sự giải thích, "sự cố là tình huống bất thường do thiên tai, dịch bệnh, con người, hậu quả chiến tranh gây ra hoặc đe dọa, gây ra thiệt hại về người, tài sản và môi trường”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu rõ.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ về một số nội dung như: Rà soát, bổ sung việc giải thích từ ngữ, phạm vi điều chỉnh để phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi; bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách và quy định cụ thể.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa, coi phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là công việc của toàn dân; chủ động phòng ngừa, xử lý với phương châm "4 tại chỗ", lấy phòng là chính trong công tác này; tăng cường giáo dục ý thức, trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho người dân cũng như công tác phân cấp, phân quyền trong phòng cháy, chữa cháy...

N. Thành
#