Nhượng bộ trong chính sách nhập cư
Cuộc họp giữa lãnh đạo CDU và CSU được tiến hành tại Berlin ngày 8.10 vừa qua, nhằm thảo luận chiến lược chung về chính sách nhập cư. Sau 10 tiếng đàm phán liên tục, hai bên đã đạt thỏa thuận, theo đó, Đức sẽ tiếp nhận khoảng 200.000 người nhập cư mỗi năm, bao gồm cả những gia đình tị nạn tại Đức.
Nguồn tin của CSU nói với hãng tin AFP rằng, hai bên đã đạt được sự nhượng bộ căn bản. Bởi trước đó, lãnh đạo CSU Horst Seehofer vẫn chỉ trích chính sách mở cửa biên giới đón trên 1 triệu người di cư tìm kiếm quy chế tị nạn ở Đức kể từ năm 2015 của bà Merkel là nguyên nhân giúp đảng cực hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) gia tăng ảnh hưởng; đồng thời kêu gọi giới hạn số người nhập cư được tiếp nhận vào Đức khoảng 200.000 người/năm. Tuy nhiên, bà Merkel trước đó bác bỏ đề xuất này vì lý do vi Hiến, bởi Hiến pháp Đức bảo đảm quyền tị nạn chính trị đối với bất kỳ công dân nước ngoài nào.
Phóng viên hãng truyền thông Deutsche Welle (Đức) Rupert Wiederwald cho rằng, sự thỏa hiệp giữa hai đảng CDU và CSU có thể sẽ là khởi đầu của dư luật mới về nhập cư, nhằm thu hút sự ủng hộ của các đối tác tiềm năng FDP và đảng Xanh trong các cuộc đàm phán liên minh sắp tới. Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo CDU và CSU đã nhất trí thúc đẩy một dự luật nhập cư, nhằm ưu tiên những người có tay nghề cao để lấp khoảng trống trên thị trường lao động tại Đức. Đây là vấn đề được các đảng tự do, thân thiện với giới kinh doanh như FDP và đảng Xanh ủng hộ. Hiện 2 bên vẫn tiếp tục thảo luận để cùng tìm được tiếng nói chung trong một số chính sách khác, trong đó có lương hưu.
Hướng tới mục tiêu chung
Việc CDU chấp thuận đề xuất của CSU về chính sách nhập cư lần này được nhìn nhận là sự thỏa hiệp của bà Merkel, nhằm giữ cho liên minh CDU/CSU êm ấm trước khi bước vào các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh với các chính đảng khác được dự báo sẽ khó khăn. Trong cuộc tổng tuyển cử Đức ngày 24.9, Thủ tướng Merkel đã giành được nhiệm kỳ thứ tư, tuy nhiên khối bảo thủ do CDU lãnh đạo bị suy yếu khi số ghế mà CDU/CSU kiểm soát trong Nghị viện thấp nhất kể từ năm 1949, trước sự trỗi dậy bất ngờ của đảng cực hữu AfD.
Sau bầu cử, bà Merkel gặp khó khăn trong thành lập Chính phủ liên minh mới, do đảng Dân chủ xã hội (SPD), về thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử, đã bác bỏ khả năng tham gia liên minh với khối bảo thủ CDU/CSU, trong khi bà Merkel cũng thẳng thừng từ chối “bắt tay” với đảng cánh tả (Die Linke). Bà Merkel dự kiến sẽ xúc tiến đàm phán với đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh, nhưng hai đảng này lại có quan điểm tương đối khác biệt về một loạt vấn đề, từ chính sách thuế tới năng lượng và hội nhập châu Âu. Vì vậy, nhằm dọn đường cho quá trình đàm phán thành lập Chính phủ liên minh được dự đoán nhiều trắc trở, điều bà Merkel trước tiên cần làm là củng cố nội bộ liên minh CDU/CSU.
Trước thềm cuộc thương lượng ngày 8.10 vừa qua, CSU đã công bố danh sách gồm 10 yêu cầu của đảng này, tập trung vào tinh thần yêu nước, thúc đẩy một nền văn hóa định hướng các giá trị của Đức và chống lại thách thức chung là đảng cực hữu, dân túy AfD. Các nhà phân tích cho rằng, việc bà Merkel chấp nhận nhượng bộ trong chính sách nhập cư có thể coi như bước lùi chính trị, đi ngược lại các giá trị của nước Đức. Song, trước ảnh hưởng gia tăng của AfD, bà Merkel cần nhanh chóng thành lập Chính phủ ổn định, có khả năng lãnh đạo đất nước. Sự khác biệt trong chính sách và tầm nhìn giữa các chính đảng sẽ chỉ làm kéo dài quá trình đàm phán thành lập Chính phủ mới, tiềm ẩn bất ổn đối với nền kinh tế Đức cũng như khu vực châu Âu. Trong bối cảnh đó, bà Merkel buộc phải chọn thỏa hiệp để tiến tới mục đích chung.
Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Đức, thành viên CDU Thomas de Maiziere nêu rõ, “Chúng ta cần sớm thành lập Chính phủ mới. Điều này không phụ thuộc vào riêng CDU”.