Mặc dù các nhà chế tạo ôtô quốc tế đã kiểm soát thị trường ôtô Trung Quốc từ hàng thập kỷ nay, nhưng giờ đây họ không còn có thể nhào nặn thị trường này theo ý mình được nữa. Các hãng nước ngoài bắt đầu cảm nhận được áp lực phải cạnh tranh với một đội quân đông đảo các đối thủ nội địa.
Năm 2006, các hãng ôtô nội địa đã làm sửng sốt giới công nghiệp ôtô thế giới khi họ vươn lên đứng thứ hai về tổng thị phần, chỉ đứng sau các hãng của Nhật. Năm nay họ đã tiến thêm một bước, khi giành mất vị trí này của các hãng Nhật. Chery, một công ty ôtô của Trung Quốc mới được thành lập một thập kỷ trước, đã trở thành nhà sản xuất bán chạy nhất trong mấy tháng đầu năm nay, vượt qua cả hãng Shanghai General Motors.
Kevin Wale, Chủ tịch của GM China nhận xét: “Trong vòng vài năm trở lại đây, đã có sự soán đổi ngôi vị lớn giữa các đối thủ cạnh tranh chính. 5 năm trước đó là Volkswagen. 3 năm trước là cuộc chơi của các đối thủ phương Tây. Và ngày nay các đối thủ Trung Quốc và phương Tây”.
Thị trường ôtô Trung Quốc được chia sẻ bởi 20 công ty khác nhau. Điều đó khiến mức độ cạnh tranh về giá cả càng trở nên gay gắt, nó khiến thị trường Trung Quốc là thị trường duy nhất trên thế giới sụt giảm về giá. Ông Winfried Vahland, Chủ tịch Volkswagen ở Trung Quốc phát biểu cho rằng giá đã giảm 33% trong những năm gần đây và sẽ còn giảm thêm 10% vào năm 2010.
Đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội không ngừng này, các hãng đa quốc gia đang phải đau đầu tìm cách duy trì chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc mà không phải cắt giảm lợi nhuận. Và họ đã tìm ra câu trả lời: Cắt giảm chi phí sản xuất ở Trung Quốc bằng cách mua nhiều hơn nữa các linh kiện phụ kiện tại chính đất nước này.
Những nhà cung cấp linh kiện đa quốc gia như Bosch và Visteon đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc trong những năm gần đây, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược mua linh kiện tại Trung Quốc, đồng thời chất lượng của những sản phẩm làm tại Trung Quốc này cũng được cải thiện. Mua linh kiện tại Trung Quốc cũng là hạt nhân trong chiến lược của Volkswagen với tên gọi “Chương trình Olympic”, nhằm cắt giảm 20% chi phí trong giai đoạn 2004-2008. Hãng này tuyên bố đã đạt được một nửa mục tiêu cắt giảm này hồi năm ngoái. Trong khi đó, Ford đã thành lập một trung tâm nghiên cứu động cơ ở Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc mua linh kiện tại Trung Quốc.
Ưu thế hiển nhiên mà các hãng ôtô nước ngoài vẫn nắm giữ là chất lượng, một yếu tố ngày càng trở nên quan trọng trên thị trường Trung Quốc. Ngày càng có nhiều người mua xe đã qua sử dụng đang bắt đầu phát triển, làm cho người ta chú ý nhiều hơn đến độ tin cậy, chứ không chỉ là bề ngoài, của một chiếc ôtô. Ông Michael Dunn, Chủ tịch JD Power, một hãng tư vấn chất lượng ôtô, cho rằng thời điểm này là “ngày phán quyết” đối với các hãng mới của Trung Quốc, những hãng chủ yếu cạnh tranh bằng giá chứ không phải bằng chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng của nhiều hãng xe nội địa cũng không ngừng được cải thiện. Vì thế, khoảng cách về chất lượng giữa xe Trung Quốc với xe nước ngoài đang được lấp dần.
Thiết kế xe ở Trung Quốc cho phù hợp với thị trường Trung Quốc là một chiến lược khác mà một số hãng đa quốc gia đang theo đuổi. Tại triển lãm ôtô Thượng Hải vừa qua, General Motors đưa ra mẫu xe mới Buick Riviera được thiết kế một phần tại Trung Quốc trong một cơ sở liên doanh giữa hãng này với Tổng công ty Công nghiệp ôtô Thượng Hải. Không phải ngẫu nhiên mà hãng này đang áp dụng thiết kế tại Trung Quốc cho các mẫu xe Buik vì mẫu xe với thiết kế tại Trung Quốc này bán chạy hơn cả ở Mỹ.
Các hãng xe nước ngoài cũng chú trọng hơn nữa đến những loại xe dùng nhiên liệu phi truyền thống. Toyota, Honda, BMW, GM và Ford cũng đã mang đến Thượng Hải những mẫu xe sạch, thân thiện với môi trường. Họ đều nhận thức được rằng thị trường tại thời điểm này là không lớn: Toyota sản xuất model Prius hybrid ở Trung Quốc, nhưng doanh số tiêu thụ mẫu xe này còn rất khiêm tốn. Các hãng này biết rằng Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường khổng lồ cho những loại xe này bởi họ nhận thấy mối quan ngại sâu sắc của Chính quyền Bắc Kinh về tình trạng môi trường xuống cấp trầm trọng. Tuy vậy, kể cả ở phương diện này, họ cũng đang nhìn thấy sự cạnh tranh đến từ các công ty Trung Quốc. Như được chứng kiến tại triển lãm ôtô Thượng Hải, Tổng công ty Công nghiệp ôtô Thượng Hải đã trưng bầy mẫu xe chạy pin nhiên liệu riêng của mình. Rõ ràng các hãng nội địa luôn chứng tỏ sự nhạy bén và bắt kịp xu hướng. Đó chính là điểm mạnh mà các tập đoàn thế giới phải e dè khi nhảy vào thị trường tiềm năng này.
Châu Phan