Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, diễn ra sáng 28.2.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán vẫn có sự khởi sắc. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.
Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn. Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm.
Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động. Theo đó, 81/82 công ty chứng khoán đang hoạt động có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31.12.2023 đạt khoảng 639.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.
Cũng trong năm 2023, toàn ngành đã quyết liệt đề ra và triển khai các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29.12.2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tạo định hướng cho sự phát triển trong trung và dài hạn của thị trường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ cho thu hút đầu tư và sự phát triển thị trường như ký kết Ý định thư hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán Nasdaq trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9.2023; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Luxembourg, Los Angeles vào tháng 11.2023, Hội nghị đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức xếp hạng thị trường tại Hong Kong - Trung Quốc…
Song song với đó, công tác giám sát, thực thi pháp luật để bảo đảm thị trường chứng khoán vận hành thông suốt, an toàn cũng được tăng cường.
Trong năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, vẫn phải đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạo khi
Nhìn chung, trong năm 2023, mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng đã chứng kiến sự phục hồi tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực, làm tốt vai trò kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạp khi tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn yếu trong ngắn hạn, song đây cũng là năm sẽ tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ngành chứng khoán sẽ quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, việc quản lý điều hành thị trường bảo đảm an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường.
Ngành cũng sẽ đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát; tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường…