Việt Nam có 41 đơn vị được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Nature Index, trong đó hầu hết các đơn vị có tiềm lực nghiên cứu mạnh của Việt Nam như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trường Đại học Phenikaa, trường Đại học Duy Tân, ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc gia Hà Nội… đều có mặt.
Đặc biệt trường Đại học Văn Lang lần đầu tiên xuất hiện trong bảng Nature Index với vị trí thứ tư chỉ xếp sau trường Đại học Phenikaa (vị trí thứ nhất), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (vị trí thứ hai) và trường Đại học Duy Tân (vị trí thứ ba).
Khác với một số cơ sở dữ liệu như chỉ số H-index hoặc số trích dẫn, trong đó số trích dẫn thường dẫn đến sự ngộ nhận giữa nhà nghiên cứu có nhiều trích dẫn với nhà nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng, do đó thường dẫn đến những tranh cãi không cần thiết.
Lý do đưa đến sự ngộ nhận này cũng dễ hiểu vì số trích dẫn chỉ là con số cơ học thuần túy mà không chú ý đến chất lượng thật của công trình và lý do trích dẫn, đó là chưa nói đến hiện tượng tự trích dẫn hoặc “thao túng trích dẫn” thông qua “citation ring” mà nhiều nhà nghiên cứu gần đây đã cảnh báo, Nature index là bộ chỉ số cho những đóng góp của tác giả và cơ quan công tác trong các công bố khoa học trên 82 tạp chí chất lượng cao thuộc các lãnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Môi trường và Vật lý được lựa chọn bởi các nhà nghiên cứu độc lập.
Nhóm 82 tạp chí này ít hơn 4-5% số tạp chí trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của Web of Science, nhưng chiếm tới gần 30% tổng số trích dẫn của toàn bộ lĩnh vực này.
Rõ ràng sự chọn lọc khắt khe của Nature Index mang đến một cái nhìn khách quan hơn về vị thế của các cường quốc khoa học. Chẳng hạn, trong lần này Trung Quốc không chỉ vượt Hoa Kỳ về tổng số lượng bài báo khoa học trên cơ sở dữ liệu Web of Science (khoảng 650.000 so với 550.000), mà còn vượt Hoa Kỳ cả về tỷ lệ đóng góp của các tác giả Trung Quốc trong Nature Index.
Theo dữ liệu của Nature Index trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 30/8/2022, Trung Quốc có số lượng bài báo (Article Count) là 21.938, thấp hơn so với 24.562 của Mỹ, tuy nhiên tỉ lệ đóng góp của tác giả trong bài của Trung Quốc là 17.863,96 cao hơn của Mỹ là 17.169,6.
Ngay cả tập san Nature cũng giật hàng tít lớn “Nature Index Annual Tables 2022: China’s research spending pays off” (tạm dịch: Bảng xếp hạng thường niên năm 2022 của Nature Index: Đầu tư cho nghiên cứu của Trung Quốc được đền đáp xứng đáng).
Trường Đại học Văn Lang có 02 công trình thuộc lãnh vực Vật lý được chỉ mục vào Nature Index, cụ thể:
1) “Exciton binding energy and screening length in two-dimensional semiconductors”. (Tạm dịch: Năng lượng liên kết exciton và độ dài chắn trong chất bán dẫn hai chiều) của TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu đăng trên tạp chí Physical Review B của Hội Vật lý Hoa Kỳ. Đây là công trình xuất bản nhanh với duy nhất một tác giả của trường Đại học Văn Lang.
2) An explanation of experimental data of (g−2)e,μ in 3-3-1 models with inverse seesaw neutrinos (Tạm dịch: Giải thích về dữ liệu thực nghiệm của (g−2)e,μ trong mô hình 3-3-1 với neutrino theo cơ chế bập bênh ngược) của TS. Lê Thọ Huệ đăng trên tạp chí European Physical Journal C của Nhà xuất bản Springer. Đây là công trình hợp tác với các đồng nghiệp từ các trường Đại học Duy Tân, Đại học Cần Thơ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó TS. Lê Thọ Huệ là tác giả đứng đầu.
Điều đáng lưu ý là cả hai bài báo nói trên đều là các công trình hoàn toàn của Việt Nam, theo nghĩa tất cả các tác giả đều đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam.
TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu và TS. Lê Thọ Huệ hiện đang công tác tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ của trường Đại học Văn Lang. Đây là 01 Viện nghiên cứu non trẻ chỉ mới thành lập hơn 01 năm nhằm thực hiện mục tiêu trường Đại học Văn Lang trong 10 năm tới trở thành một trong những đại học trẻ được ngưỡng mộ nhất Châu Á.
Bảng xếp hạng Nature Index là bảng xếp hạng do Tổ chức Nature Reasearch (cơ quan chủ quản của Tạp chí danh tiếng Nature) thực hiện, sử dụng cơ sở dữ liệu bài báo được xuất bản trong hệ thống 82 tạp chí khoa học chất lượng cao do Nature Research lựa chọn.
Các tạp chí này được 2 hội đồng khoa học độc lập của Nature Research lựa chọn căn cứ theo các tiêu chí chất lượng của tạp chí chứ không thuần túy dùng chỉ số định lượng (impact factor).
Tuy các tạp chí được lựa chọn chỉ chiếm khoảng 1% tổng số tạp chí trong cơ sở dữ liệu ISI (Web of Science) nhưng lại chiếm gần 30% tổng số trích dẫn trong số các tạp chí khoa học tự nhiên. Chỉ có các bài báo nghiên cứu bậc 1 của tạp chí (primary research articles) được đưa vào Nature Index để tính điểm xếp hạng.