Là Hy Lạp hay Detroit?
Không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khiến cả châu Âu rối loạn, Thủ hiến Puerto Rico Alejandro Garcia Padilla lại công bố khoản nợ của lãnh thổ thuộc Mỹ này đã lên tới mức 73 tỷ USD và không có khả năng trả nợ. Để dễ hình dung, với dân số 3,6 triệu người, trung bình mỗi người dân Puerto Rico gánh trên vai khoản nợ 19.000USD. Không chỉ thế, chính quyền Puerto Rico còn nợ người dân hàng chục tỷ USD lương hưu.
Một số tờ báo ngay lập tức so sánh Puerto Rico là Hy Lạp của châu Mỹ. Nhưng Puerto Rico có cái dễ và cái khó hơn Hy Lạp. Cuộc khủng hoảng ở Athens còn liên quan đến tương lai của Liên minh châu Âu (EU). Hy Lạp là một quốc gia, vì thế có chủ quyền để đàm phán nợ với các thực thể như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Còn Puerto Rico là lãnh thổ vận hành theo cơ chế “lai”, có bộ máy hành chính riêng thông qua bầu cử, nhưng theo luật của Mỹ, bộ máy này lại nằm dưới sự giám sát của Quốc hội Mỹ và nhận được một số hỗ trợ về tài chính của Chính phủ liên bang. Vì thế, lãnh thổ này chỉ có thể xin Chính phủ Mỹ cứu trợ. Thêm nữa, Hy Lạp có thể trở lại với đồng drachma, còn Puerto Rico chưa bao giờ có đồng tiền riêng.
Tình trạng của Puerto Rico cũng khiến nhiều người nhớ tới Detroit, một thành phố của Mỹ phải tuyên bố phá sản năm 2013 và cũng mới cơ bản kết thúc tiến trình đàm phán tái cơ cấu nợ. Khác biệt lớn nhất là Detroit có quyền nộp đơn làm thủ tục phá sản, còn với Puerto Rico thì Thủ hiến Padilla vẫn đang thuyết phục Quốc hội Mỹ gật đầu. Vì không thể tuyên bố phá sản, Puerto Rico cũng không thể buộc người dân chấp nhận giảm lương hưu như Detroit từng làm. Tuy nhiên, hai bên có không ít điểm tương đồng, trong đó phải kể đến việc phải tự lực cánh sinh. Detroit đúng là có nhận được khoản hỗ trợ trị giá 195 triệu USD của bang Michigan, nhưng đây chỉ là muối bỏ bể bởi chỉ chiếm chưa đến 3% số nợ của thành phố này. Số chủ nợ của hai bên đều rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn ngườâi. Và điểm tương đồng đáng nói nhất là nguyên nhân một thành phố và một lãnh thổ thuộc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, lâm vào phá sản.
![]() Nguồn: huffington post |
Không thể tiếp tục giật gấu vá vai
Các chính sách phát triển kinh tế thiếu chính xác đã khiến kinh tế Puerto Rico chỉ có một chiều hướng xuống suốt 8 năm qua, bất chấp mọi xu hướng của kinh tế thế giới. Thay vì tận dụng các điều kiện sẵn có như khí hậu nhiệt đới và tập quán sản xuất mía đường, Puerto Rico lại có hệ thống chính sách mờ nhạt và tập trung vào ngành tài chính. Kết quả là hiện hơn 25% dân số Puerto Rico sống phụ thuộc vào tem thực phẩm. Thu nhập bình quân đầu người là 15.000USD/năm, bằng 1/3 mức bình quân của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp là 13,9%, trong khi tỷ lệ trung bình của Mỹ là 7,3%. Cũng giống Detroit, khi kinh tế suy thoái thì xã hội bất ổn. Theo số liệu năm 2012 từ FBI, tỷ lệ tội phạm giết người ở Puerto Rico là 27 trên 10.000 dân, trong khi mức trung bình Mỹ là 4,7. Dễ hiểu là vì thế dân số Puerto Rico đã giảm 4% kể từ năm 2004, trong đó phần nhiều đã chuyển vào lục địa Mỹ.
Thay vì cải cách, chính quyền Puerto Rico lại tìm cách giật gấu vá vai, đó là khuyến khích các thiết chế công phát hành trái phiếu và xoay vòng nợ giữa các thiết chế này. Có lẽ là điều không may cho người dân Puerto Rico khi trái phiếu của chính quyền này lại cực kỳ hấp dẫn. 3 nguyên nhân của sự hấp dẫn này là: mức lãi suất cao hơn trái phiếu cùng loại, không chịu thuế địa phương, thuế bang và thuế liên bang, và trên hết là độ an toàn cao. Hiến pháp Puerto Rico nêu rõ, chính quyền phải trả nợ trước khi thanh toán mọi nghĩa vụ khác. Vì thế, dù biết rõ tình hình Puerto Rico, nhiều nhà đầu tư vẫn mua trái phiếu của chính quyền này. Khi vẫn còn vay được tiền thì Puerto Rico sẽ vay. Cách đây 7 năm, khi Chính phủ suýt phải ngừng hoạt động vì thiếu tiền, người tiền nhiệm của ông Padilla đã hứa đến năm 2010 sẽ cải thiện tình hình tài chính. Nhưng khoản nợ của hiện tại còn lớn hơn nhiều so với năm 2008.
Câu hỏi đáng quan tâm nhất hiện nay chắc chắc là lối thoát nào cho Puerto Rico. Nhà Trắng khẳng định, sẽ không có khoản cứu trợ nào, còn vấn đề phá sản lại nằm trong tay Quốc hội. Puerto Rico không thể bị bỏ rơi, vì hiện có khoảng 70% các quỹ lương hưu của Mỹ có nắm giữ trái phiếu lãnh thổ này. Vì thế có lẽ Quốc hội sẽ nhượng bộ, nhưng chuyện này cần thời gian. Về lâu dài, Puerto Rico vẫn phải thay đổi. Mới đây trong nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu, Puerto Rico đã tăng thuế kinh doanh lên mức 11,5%. Thủ hiến Padilla cũng tuyên bố sẽ thỏa thuận với các chủ nợ về việc hoãn trả nợ trong tối đa 5 năm, nhằm dành tiền cho các khoản đầu tư hợp lý. Cắt giảm chi tiêu sẽ được thực hiện, nhưng không phải đối với lĩnh vực giáo dục hay y tế. Hy vọng trong kế hoạch cụ thể sẽ được ông Padilla công bố trong thời gian tới không chỉ có những lời hứa suông. Dù thế nào, trường hợp Puerto Rico là hồi chuông cảnh báo mới nhất dành cho các chính phủ, rằng không thể mãi dựa dẫm vào vay nợ.