1. Tiến lên, Mùa xuân Ảrập!
![]() |
Tấm biểu ngữ với dòng chữ màu trắng trên nền đỏ trong bức ảnh này được sử dụng trong cuộc biểu tình phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt quá cao, diễn ra tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập hồi tháng 8 vừa qua. Với lời kêu gọi “Hãy bước đi như một người Ai Cập”, khẩu hiệu trên đã khái quát được tinh thần và sự chuyển động của phong trào Mùa xuân Ảrập hơn bất cứ khẩu hiệu nào được sử dụng trong suốt thời gian làn sóng biểu tình này diễn ra. Phong trào đòi dân chủ này được khởi xướng tại Tunisia, song cuộc tuần hành diễn ra tại quảng trường Tahrir lại thu hút sự quan tâm của thế giới hơn cả. Thành công của nó đã trở thành cảm hứng cho những người biểu tình từ Syria tới Yemen, ngay cả các phong trào “chiếm lấy” các đường phố trên khắp thế giới.
2. Phản bác tư tưởng cực đoan
![]() |
Hồi tháng 1, tại buổi công chiếu bộ phim Red State, trong đó có đề cập đến nhà thờ Baptist Wastboro, một nhánh tín ngưỡng có tư tưởng cực đoan ở Mỹ, đạo diễn kiêm diễn viên người Mỹ Kevin Smith đã không ngần ngại gia nhập đám đông phản đối nhóm Wastboro ủng hộ nhà thờ trên. Nhóm Wastboro nổi tiếng với tư tưởng chống lại những người đồng tính và thường bày tỏ quan điểm của mình bằng cách quấy rối tại các tang lễ và đốt quốc kỳ Mỹ. Nhóm này còn nổi tiếng với các biểu ngữ kiểu như “Chúa ghét người Do Thái”; “Chúa ghét Obama” hay “người đồng tính là lũ quỷ”...
Đám đông biểu tình phản đối nhóm cực đoan này cũng giơ những biểu ngữ với những dòng chữ kiểu như “Chúa ghét biểu ngữ”, “Váy nhung kẻ là tội lỗi” (được giơ lên bên cạnh những thành viên nhóm Wastboro đang mặc chiếc váy nhung kẻ đặc trưng) để châm chọc những người này.
3. Tuần hành SlutWalk lan rộng khắp toàn cầu
![]() |
SlutWalk là phong trào tuần hành phản đối hành động cưỡng dâm và bạo lực tình dục đối với phụ nữ nhằm bảo vệ và đòi quyền lợi cho phụ nữ. Các cuộc tuần hành SlutWalk mang những nét đặc trưng như thành phần tham gia đa số là phụ nữ, họ ăn mặc gợi cảm, mát mẻ và mang những biểu ngữ phản bác những quan điểm bảo thủ và lệch lạc chống lại quyền lợi của nữ giới. Thời gian gần đây, phong trào này đã lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới và trong năm 2011 người ta đã chứng kiến các cuộc tuần hành SlutWalk diễn ra từ các nước châu Âu tới những nước còn nặng tư tưởng trọng nam kinh nữ như Hàn Quốc, Ấn Độ...
Trong bức ảnh, một phụ nữ tham gia cuộc tuần hành SlutWalk giơ biểu ngữ với câu hỏi trắc nghiệm “Yếu tố nào là nguyên nhân dẫn tới hành động cưỡng hiếp phụ nữ” và bên dưới là câu trả lời được đánh dấu sẵn nhằm khẳng định chắc chắn nguyên nhân không gì khác chính là “kẻ cưỡng hiếp”, bên cạnh các phương án trả lời khác như “ăn mặc hở hang”; “uống rượu”; “tán tỉnh”. Nói một cách khác, SlutWalk là phong trào tuần hành nhằm phản bác những lời cáo buộc hoặc những quan điểm lệch lạc cho rằng, bản thân nạn nhân các vụ cưỡng hiếp là một phần nguyên nhân dẫn tới các vụ phạm tội này bởi cách ăn mặc phóng khoáng của họ.
4. Thế giới phù thủy không cắt giảm chi tiêu
![]() |
Trong cuộc biểu tình của sinh viên Anh phản đối việc Chính phủ đột ngột cắt giảm chi tiêu cho giáo dục đại học diễn ra hồi tháng 11 vừa qua, một nữ sinh viên đã bộc lộ quan điểm của mình bằng biểu ngữ tuyên bố rằng cô sẽ nhập học trường Hogwards hư cấu trong bộ truyện nổi tiếng Harry Potter, thay vì theo học tại các trường của nước này. Biểu ngữ trên có vẻ như đã nói thay cho một số cô cậu sinh viên hâm mộ truyện Harry Potter về ước vọng “giá mà mọi thứ đều tốt đẹp như trong thế giới phù thủy!”
5. Thành công nhỏ của đảng Trà
![]() |
Mùa hè vừa qua là một mùa hè nóng bỏng ở nước Mỹ với các cuộc tranh luận gay gắt và dai dẳng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội về việc có nâng trần nợ công của Chính phủ liên bang hay không, khiến không ít người dân Mỹ ngán ngẩm và thất vọng. Trong bức ảnh này là một số nhà hoạt động xã hội đã tụ tập bên ngoài trụ sở Nhà Trắng ở Washington kêu gọi các đảng phái chấm dứt tình trạng đối đầu này; đồng thời kêu gọi Quốc hội không nâng trần nợ công mà tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Trong bối cảnh các cuộc tranh cãi tại Quốc hội đe dọa Chính phủ liên bang có nguy cơ phải đóng cửa do cạn kiệt ngân sách, các nghị sỹ của đảng Trà đã soạn thảo riêng kế hoạch ngân sách nghiêm khắc, bám sát vào hai tiêu chí được nêu trong khẩu hiệu trên. Mặc dù cuối cùng hai đảng con Lừa và con Voi tại Quốc hội Mỹ cũng đạt được thỏa thuận về nâng dần trần nợ công, nhưng kèm với đó là các điều kiện cắt giảm chi tiêu triệt để. Đó có thể coi là một thành công nhỏ của đảng Trà.
6. Những lời khó nghe ở Wisconsin
![]() |
Trong năm qua, nước Mỹ còn chứng kiến không ít sự đối đầu giữa các công đoàn, tổ chức dân sự và các thống đốc bang mới được bầu tại các bang như Floria và Ohio. Tuy nhiên, cuộc đối đầu đáng kể nhất là giữa người dân tiểu bang Wisconsin và Thống đốc Scott Walker diễn ra hồi tháng 2. Nhiều người đã tụ tập và cắm trại bên ngoài trụ sở chính quyền của thủ phủ bang Wisconsin hàng tuần lễ để phản đối việc ông Walker đề xuất đạo luật đòi công chức phải chịu phân nửa tiền hưu và ít nhất là 12,6% tiền bảo hiểm y tế để tạo nguồn thu ngân sách bang. Những người biểu tình cho rằng, đề xuất của ông Walker xâm phạm hàng loạt quyền lợi của người lao động. Trong ảnh là một người biểu tình với biểu ngữ ám chỉ ông Walker là một người vô lương tâm, không nương tha cho cả những thân phận yếu đuối như... cún con chẳng hạn.
7. Người biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” yêu văn học
![]() |
Đây là khẩu hiệu của một người tham gia phong trào “Chiếm lấy phố Wall” hâm mộ các tác phẩm của văn hào Shakespeare. Mượn câu mở đầu trong tác phẩm Richard III: “Giờ là mùa đông của sự bất mãn”, biểu ngữ với dòng chữ “Giờ là mùa đông của các hàng lều trại của chúng tôi” được treo bên ngoài các lều trại của những người biểu tình phản đối việc vận mệnh nước Mỹ bị định đoạt bởi nhóm thiểu số chỉ chiếm 1% dân số nước này là các nhà tài phiệt ở phố Wall.
8. Khủng hoảng tài chính là hung thủ
![]() |
Trong bức ảnh này, các nhà hoạt động xã hội phản đối hội nghị thượng đỉnh G20 đã bài trí địa điểm biểu tình như hiện trường của một vụ án mạng, với những nhà hoạt động nằm giả chết, hàm ý rằng đây là hiện trường của vụ án mạng mà thủ phạm là khủng hoảng tài chính. Các nhà hoạt động xã hội này phản đối xu hướng toàn cầu hóa trong thời gian diễn ra các cuộc họp cấp cao giữa bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng các nước G20. Thông điệp mà họ muốn gửi tới các nhà lãnh đạo G20 rằng họ cần quan tâm đến người dân hơn là hệ thống ngân hàng và các thị trường.
9. Phong trào ủng hộ hôn nhân đồng tính ở New York
![]() |
Phong trào kêu gọi các nghị sỹ New York của Mỹ ủng hộ đạo luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính tại thành phố này được xem như một dấu mốc quan trọng trong tiến trình đòi sự bình đẳng và công bằng về quyền lợi cho người đồng tính. Thành công của phong trào là việc New York trở thành bang thứ 6 của Mỹ cho phép người đồng tính kết hôn theo ý muốn, sau khi các nghị sỹ New York phê chuẩn đạo luật trên và Thống đốc bang Andrew Cuomo đã ký ban hành đạo luật này.
10. Công lý cho Michael Jackson
![]() |
Một trong những vụ xét xử thu hút sự theo dõi của đông đảo người Mỹ cũng như người hâm mộ ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson đó là vụ xét xử bác sỹ riêng của ca sỹ này Conrad Murray, bị cáo buộc đã gián tiếp gây ra cái chết của Jackson hồi năm 2009. Sau khi tòa án Mỹ kết luận bác sỹ Murray tội ngộ sát hồi tháng 11 vừa qua, người hâm mộ Michael Jackson đã tuần hành bên ngoài trụå sở tòa án, nơi diễn ra phiên xét xử trên, để ăn mừng phán quyết của tòa án. Trong bức ảnh này là một người hâm mộ giơ biểu ngữ với dòng chữ “công lý cho Michael Jackson”.