Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Đa số ĐBQH cho rằng cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về di sản văn hóa quy định bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu.
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, về phạm vi điều chỉnh tại Khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật kế thừa từ Điều 1 của Luật hiện hành quy định, di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu là sản phẩm tinh thần vật chất có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Quy định này mang tính giải thích từ ngữ, không thuộc nội dung của phạm vi của dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị đánh giá thêm quy định tại khoản 2 điều này để xác định rõ phạm vi điều chỉnh đảm bảo tính phù hợp, bao quát”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu rõ.
Liên quan đến nội dung phát huy giá trị của di sản, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho rằng, đây là một nội dụng rất quan trọng và xuyên suốt trong dự thảo Luật với trên 120 lần sửa dụng thuật ngữ “phát huy giá trị di sản”.
Phát huy giá trị di sản có nghĩa là làm tăng cường, nâng tầm, làm sâu sắc thêm giá trị văn hóa khoa học của di sản; đồng thời, với việc tạo ra các giá trị về kinh tế, nguồn thu về tài chính tạo cơ hội lao động, việc làm, thu nhập cho cộng đồng chủ thể di sản. Phân tích vấn đề này, đại biểu Lê Văn Khảm cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện cụ thể nội dung, nội hàm, thiếu các quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật liên quan đến vấn đề này. Vì vậy, theo đại biểu, cần thiết phải có các quy định cụ thể về phát huy giá trị di sản là như phát huy như thế nào? Mức độ khai thác giá trị đến đâu là hợp lý để nâng tầm giá trị văn hóa, khoa học và lịch sử của di sản?
Cụ thể hóa chính sách đối với di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Đối với chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa (Điều), dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa đã tập trung đề cập đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, huy động các nguồn lực, nhân lực, ngân sách để đạt hiệu quả cao nhất cho hoạt động này.
Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư về phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ bảo tồn phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới.
Ở góc độ khác, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng, quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách, sẽ rất khó khi triển khai thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.