
Theo giới quan sát, kết quả này cho thấy sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ P5+1, với một bên là các cường quốc phương Tây, đi đầu là Mỹ muốn siết chặt trừng phạt, với bên còn lại là Nga và Trung Quốc ủng hộ các giải pháp mềm dẻo, linh hoạt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định rằng cuộc họp này thực chất là một hình thức “rung cây dọa khỉ”, rằng P5+1 buộc phải có một động thái nào đó đáp trả sự cứng đầu của Iran, và rằng phương Tây chỉ muốn đánh động Iran nên dè chừng trong lời ăn tiếng nói cũng như các hành động liên quan tới tham vọng hạt nhân của mình. Song, với ẩn ý nào đi nữa thì với Iran đây cũng là một thắng lợi dù chỉ mang tính biểu trưng.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp kín kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU) tại New York, ông Robert Cooper, một quan chức ngoại giao hàng đầu của châu Âu, nói rằng việc xem xét thêm các biện pháp (trừng phạt) thích hợp đã bắt đầu. Ông nhấn mạnh rằng nhóm P5+1 vẫn thống nhất và cam kết với cách tiếp cận kép (trừng phạt trong khi vẫn theo đuổi đàm phán). Ngoài ra, sáu nước cũng tỏ ý không hài lòng với thái độ bất hợp tác của Iran liên quan tới thỏa thuận chuyển uranium ra nước ngoài... Tất cả thông tin chỉ có vậy, không có gì mới nhưng những gì ẩn đằng sau mới là vấn đề đáng bàn.
Cuộc họp P5+1 diễn ra trong bối cảnh Iran kiên quyết theo đuổi lập trường riêng của mình trong vấn đề hạt nhân, không chấp nhận các đề xuất, điều kiện mà phương Tây đưa ra và hiện đang phải chịu 3 lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Theo đề xuất của IAEA, Iran sẽ chuyển phần lớn uranium đã được làm giàu ở cấp độ thấp của họ sang Nga và Pháp để làm giàu lên cấp cao hơn, sau đó số urani này sẽ được chuyển trở lại Iran phục vụ lò phản ứng nghiên cứu ở Tehran. IAEA ra thời hạn chót 31.12.2009 để Iran chấp nhận đề xuất này. Tehran đã bỏ qua thời hạn trên đồng thời đưa ra đề xuất mới, theo đó phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho Iran hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy uranium làm giàu ở cấp độ thấp của nước này, song việc trao đổi phải được thực hiện thành nhiều đợt. Không dừng ở đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad mới đây tuyên bố các biện pháp trừng phạt sẽ không thể ngăn cản nước này theo đuổi chương trình hạt nhân. Iran cũng đã ra “tối hậu thư” đến cuối tháng 1.2010, phương Tây phải chấp nhận những đề xuất của Tehran về kế hoạch trao đổi uranium, nếu không nước này sẽ bắt đầu tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Trước thái độ bị coi là mang tính thách thức đó, Washington liên tiếp cảnh báo về một lệnh trừng phạt trong tương lai, thậm chí cây gậy quân sự cũng đã được chú Sam huơ ra. Trong bối cảnh trên, cuộc họp của P5+1 với kết quả zero thực tế lại một chiến thắng của Iran.
Thắng lợi đầu tiên đó là Iran vẫn khai thác được triệt để nhằm gây ra mối bất hòa trong nội bộ P5+1. Nga và Trung Quốc không tán đồng những giải pháp quá cứng rắn đối với Nhà nước Hồi giáo. Đến với cuộc họp lần này, Bắc Kinh, vốn luôn cho rằng còn quá sớm để trừng phạt Iran, chỉ cử một quan chức cấp thấp, cho thấy một sự miễn cưỡng đối với phương Tây. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow ủng hộ cả hai hướng tiếp cận (ngoại giao và trừng phạt), nhưng nếu buộc phải lựa chọn- ông tuyên bố- Nga sẽ chọn giải pháp ngoại giao.
Thắng lợi thứ hai là thái độ cứng rắn của Iran vẫn ăn điểm khi phương Tây phải thận trọng và lùi bước. Bất chấp đã qua thời hạn chót (31.12.2009), vẫn chưa có bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đưa ra, vẫn là các cuộc thảo luận, thương lượng cùng những tuyên bố về các giải pháp ngoại giao. Thế nên ý kiến nói rằng phương Tây buộc phải tổ chức cuộc họp này vì chẳng nhẽ lại “không làm gì” cũng không sai. Phương Tây buộc phải tỏ thái độ, ít nhất là đánh động Iran nên “nắn nót” hơn trong các phát biểu cũng như các hành động liên quan tới tham vọng hạt nhân của mình.