Một quyền cơ bản của con người
Chương II với 36 Điều (từ Điều 14 - Điều 49), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định ở vị trí thứ 11, sau một số quyền như quyền được sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về đời sống riêng tư, chỗ ở; quyền tự do đi lại và cư trú…
Hiến pháp 2013 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24).
Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14). Đây là một cơ sở quan trọng để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa các quyền con người và cơ chế tôn trọng, bảo đảm, thực thi các quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.
Mọi người được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người (quyền của mọi người). Chủ thể hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là công dân Việt Nam như các Hiến pháp trước đó mà còn bao gồm cả người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (ngoài việc bảo hộ về tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam thì cũng được bảo hộ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo); người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc,… đều có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo một cách phù hợp.
Hiến pháp 2013 đề cao giá trị quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Điều này không chỉ cam kết thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người như Tuyên ngôn nhân quyền 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 mà Việt Nam gia nhập mà còn là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam với thế giới.
Nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo ở tầm cao mới
Thể chế hóa Hiến pháp 2013, ngày 20 tháng 11 năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó quy định: “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước” (Khoản 3, Điều 7). Cùng với đó, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về tôn giáo; giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nganh bộ thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo đã được chuyển từ Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Điều 31, Luật Tổ chức Quốc hội 2001) sang Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Điều 75 Luật Tổ chức Quốc hội 2015).
Sự thay đổi này có lẽ không phải ngẫu nhiên chuyển đổi cơ học, ý chí của các nhà lập pháp mà Nhà nước nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo ở tầm cao mới; nhìn nhận những giá trị tích cực về đạo đức, văn hóa tôn giáo, góp phần hình thành phẩm chất con người Việt Nam phù hợp với tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thể chế các văn kiện của Đảng về “phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, tốt đời, đẹp đạo” .
Như vậy, Hiến pháp Việt Nam năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều có nội dung về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong các bản Hiến pháp thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Những nguyên tắc về tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp là cơ sở để thể chế hóa qua các quy định pháp luật nhằm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật. Bản Hiến pháp năm 2013 là sự thể hiện sự nhất quán, kế thừa, phát triển, xuyên suốt, qua các bản Hiến pháp trước đó; đáp ứng yêu cầu mới cách mạng, đồng thời phù hợp với những thay đổi của đời sống xã hội, thích ứng với môi trường quốc tế khi Việt Nam mở cửa và hội nhập.