Thấy được giá trị sẽ thêm trân quý di sản
Từng có cơ hội dự một giờ học sử lớp 5 ở Pháp, TS. Cam Anh Tuấn, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, kể lại, trước yêu cầu viết lịch sử về thành phố, các em học sinh tại đây đã chủ động làm công việc của nhà sử học, đến viện lưu trữ, di tích lịch sử tìm hiện vật, tài liệu khảo cổ. Các em chia thành nhóm, viết lại lịch sử thành phố mình sinh sống.
“Cách học lịch sử bằng việc sử dụng di sản, tài liệu lưu trữ, hiện vật tại di tích khiến giờ học không còn nhàm chán. Chính học sinh thấy được giá trị di sản, từ đó thêm trân quý di sản”. Cách làm trên đây, theo TS. Cam Anh Tuấn, “có thể là một cách tiếp cận mới, hoặc một góc nhìn khác, nhưng quan trọng là từ đó di sản được sống giữa cộng đồng, vì cộng đồng. Ở chiều ngược lại, cũng nhờ kết nối với giới trẻ mà di sản thêm sống động, phong phú”.
Câu chuyện của TS. Cam Anh Tuấn được chia sẻ tại Tọa đàm “Di sản với giới trẻ” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, tổ chức sáng 27.12. TS. Cam Anh Tuấn cho biết, mọi tài liệu đều có thể trở thành di sản khi nó phục vụ các mục đích, công việc, đối tượng… khác nhau trong xã hội. Chúng ta phải biết cách lưu trữ di sản, từ gia đình, đến cộng đồng và xã hội. Các thầy cô từng nói đến vai trò của di sản với nhiều cách khác nhau, song nếu người trẻ ý thức tìm hiểu sâu sắc hơn, họ sẽ biết cách tiếp cận di sản, tìm đến di sản. Qua tiếp xúc như vậy, người trẻ nhận thức được giá trị của di sản thay vì những lời giới thiệu, giảng dạy của giáo viên.
Nhiều năm làm việc với tài liệu lưu trữ, nhà nghiên cứu Phạm Vũ Lộc, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đúc rút ra rằng, "nếu được tiếp cận, được chạm vào tài liệu lưu trữ, đọc những thông tin không hiển thị bằng lời từ tài liệu mới thấy vai trò to lớn, siêu việt của nó. Do vậy, càng trẻ, càng sớm, càng tốt, chúng ta cần tiếp cận tài liệu lưu trữ, để có thêm nhiều cách làm hay, hiệu quả từ tài liệu lưu trữ trong học tập cũng như bảo tồn và phát huy giá trị di sản". Anh cũng thấy người trẻ rất nhiều năng lượng, có ý tưởng khác với người lớn tuổi, đơn cử cách họ làm phim, cách thiết kế không gian, sáng tác nghệ thuật… nên sẽ có những cách khai thác giá trị di sản tư liệu thú vị.
Truyền cảm hứng cho giới trẻ
Bàn cách thức lưu trữ, phát huy giá trị của di sản tư liệu, phục vụ đời sống, các chuyên gia cho rằng vẫn phải lắng nghe xã hội cần gì, tài liệu lưu trữ đó phải có giá trị trong cộng đồng, sống cùng cộng đồng. Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, “lắng nghe song song với tìm kiếm giải pháp để di sản phát huy tác dụng theo cách làm mới. Bằng chứng là, cách đây 1 tuần, Đại sứ quán Pháp đã tài trợ 700.000 euro để nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên, di sản của Hà Nội, với cách thức của người nghiên cứu trẻ. Từ câu chuyện này, chúng tôi muốn truyền cảm hứng để nơi đây là điểm đến văn hóa, để các câu chuyện xung quanh tài liệu lưu trữ được kể hấp dẫn, đầy đủ, với cách hiểu và cảm nhận của người trẻ…”.
TS. Vũ Đức Liêm, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng chia sẻ, cách đây 2 năm anh tham gia Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Quá trình nghiên cứu, sưu tầm, các nhà khoa học đã tìm được 15 châu bản về Phạm Thận Duật. Từ tài liệu này, các công trình về danh nhân văn hóa Phạm Thận Duật ra đời, đánh giá lại những đóng góp và vị trí của cụ trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây cũng là minh chứng khẳng định vai trò của lưu trữ trong cuộc sống đương đại.
Theo TS. Vũ Đức Liêm, cách thức để truyền lửa cho giới trẻ về lịch sử, trong đó có di sản tư liệu, vì thế, cần thay đổi. “Khi chúng ta nghĩ về lưu trữ thường hiểu nơi đây là kho tàng đóng kín, phủ bụi. Song đến thời điểm hiện tại, lưu trữ đã cho thấy một khái niệm hoàn toàn mới. Nói cách khác, chúng ta đã có một cuộc cách mạng trong tư duy về di sản nói chung và tư liệu lưu trữ nói riêng. Với các chương trình giảng dạy lịch sử cũng vậy, chúng tôi tìm hiểu hệ thống lưu trữ, hiểu rằng văn bản gốc, tư liệu gốc, tài liệu gốc vẫn đóng vai trò trung tâm để giáo dục giới trẻ… Đây thực chất là cuộc cách mạng trong tư duy về giáo dục lịch sử”.
Đồng quan điểm, ThS. Đường Ngọc Hà, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông tin, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang tự thay đổi để đến gần người xem, đặc biệt là người trẻ. Vẫn là trưng bày nhưng bằng cách kể chuyện lồng ghép kiến thức để người trẻ tự tìm đến học tập, tìm hiểu. Các triển lãm gần đây, đặc biệt, tour Trải nghiệm đêm Văn Miếu, cũng thay đổi, từ cách truyền thông, đến thực hiện ứng dụng trình chiếu mapping 3D theo chủ đề, trải nghiệm công nghệ leap motion (điều khiển chuyển động 3D) mà giới trẻ yêu thích. “Chúng tôi đã tự thay đổi mình để đến gần khán giả, du khách và các bạn trẻ hơn”.
Thật bất ngờ khi các bạn trẻ Hàn Quốc bắt đầu các bài học văn hóa, lịch sử từ cách làm kim chi. Sau đó, họ tiếp tục truyền tải nhiều câu chuyện liên quan đến ẩm thực, lịch sử và văn hóa đất nước. Từ cách tiếp cận này, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều công việc trong cuộc sống, nếu không có lưu trữ, sẽ không có lý luận, thực tế để thực hiện. Tương lai của chúng ta phụ thuộc và chờ đợi rất nhiều ở giới trẻ. Chính vì vậy, cần lắng nghe, bắt trend (trào lưu, xu hướng) của giới trẻ, để những nơi có di sản phải được kết nối với giới trẻ, lan tỏa tinh thần này tới giới trẻ, tới cộng đồng.
ThS. Trần Thị Mai Hương
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I