Đây là ý kiến được nêu tại Hội thảo khoa học Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học do Thanh tra Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30.11.
Theo đại diện Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo, tự chủ giáo dục đại học là một xu hướng tất yếu và đang diễn rất mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi các trường công lập phải có những bước chuyển mình thực sự toàn diện ở các khía cạnh tự chủ tổ chức, nhân sự, tự chủ tài chính và tự chủ học thuật.
Khi các cơ sở giáo dục được trao quyền một cách mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là một khâu thiết yếu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của các hiệu trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của nhà trường.
Đại diện Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dù được đánh giá là một hoạt động có vai trò quan trọng đối với các cơ sở giáo dục, song thời gian qua hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn tồn tại, hạn chế, làm cho hoạt động thanh tra nội bộ trở nên không đúng nghĩa, nhiều nơi còn tỏ ra mờ nhạt.
Một trong những vấn đề được đề cập là khối lượng công việc của hoạt động thanh tra nội bộ là hết sức đồ sộ và quy mô từ thanh tra đối với công tác tuyển sinh, mở ngành, duy trì điều kiện mở ngành; tổ chức thi kết thúc học phần, quản lý, cấp phát văn bằng... Trong khi đó, số lượng nhân sự làm công tác thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học bình quân chỉ từ 2-5 nhân sự.
Cùng với đó, người làm công tác thanh tra nội bộ phải hiểu rõ một lúc rất nhiều quy định pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ này chưa được chú trọng trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra. Mặt khác, chế độ, chính sách đãi ngộ phụ thuộc hoàn toàn vào quy chế chi tiêu nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học.
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những hệ lụy tiêu cực, các nguy cơ sai phạm và sai phạm vẫn diễn ra tại các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, đi liền với quyền tự quyết của các cơ sở giáo dục đại học công lập thì nội tại các cơ sở giáo dục đại học cũng phải có các thiết chế đủ mạnh để kiểm soát, giảm thiểu các nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra trong việc tự chủ cũng như thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các trường...
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, càng tự chủ đại học thì càng cần tự thanh tra, kiểm tra, nắm bắt để thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy nhà trường, hội đồng trường... Trong thời gian tới, hoạt động thanh tra nội bộ cần hướng đến thực chất hơn.