Mối nguy hại từ rác thải nhựa
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm, và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm được tạo ra. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới) nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế, mới chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Chưa kể, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất...). Trong khi đó, việc thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này cũng đang là vấn đề đáng bàn.
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa tái chế, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng chia sẻ, hiện vật dụng bằng nhựa xuất hiện nhiều trong đời sống con người, gây ra lượng rác thải nhựa rất lớn, tác động không nhỏ đến môi trường sống của con người cũng như các sinh vật trên trái đất. Vì vậy để hạn chế rác thải nhựa, làm tốt việc phân loại rác tại nguồn là khâu quan trọng nhất. Qua đó, việc xử lý rác thải được thuận lợi và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Các ban ngành chức năng cần ban hành quy chuẩn an toàn trong sản xuất nhựa tái chế, vì hiện nay quy chuẩn an toàn chủ yếu được các nhà sản xuất tham khảo của nước ngoài.
Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho rằng, cần lan tỏa tinh thần hệ sinh thái tuần hoàn thông qua tổ chức chính trị, các đoàn thể đặc biệt lực lượng đoàn thanh niên, khởi đầu bằng biện pháp: phân loại rác tại nguồn; sử dụng nhựa an toàn. Qua đó, việc xử lý rác thải được thuận lợi.
Giữ vai trò tiên phong
Để chung tay đẩy lùi rác thải nhựa, thời gian tới, Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Bên cạnh đó, phát động phong trào "chống rác thải nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Mặt khác, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong đoàn Thanh niên các cấp trực thuộc Đoàn Bộ…
Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đặng Quốc Khánh
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta đứng thứ 3 trong Asean về tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa, nguy cơ rác thải nhựa vì vậy cũng sẽ tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, Phó trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo Lưu Anh Đức cho biết, thời gian qua, Việt Nam chủ động tham gia thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; tham gia thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành các hành lang pháp lý đối với việc xử lý chất thải rắn... Tuy vậy, vẫn cần sự đồng hành của các bên liên quan, các tổ chức chính trị, nhất là đoàn thanh niên trong việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Biển và Hải đảo Phan Quốc Huy, mối nguy hại to lớn mà rác thải nhựa gây ra, trong đó vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang ngày càng nghiêm trọng. Đến năm 2050, các đại dương có thể chứa nhựa nhiều hơn cá. Đáng lo ngại nhất hiện nay là nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa vẫn không ngừng gia tăng. Do đó, để giảm sử dụng nhựa cần phải có giải pháp toàn diện, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hại mà rác thải nhựa gây ra, từ đó chung tay đẩy lùi vấn nạn này là rất quan trọng.
Đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Cao Hoàng Anh cho biết, trong thời gian gần đây, hoạt động bảo vệ môi trường đã nổi lên như một làn gió mới, mạnh mẽ và sôi động trong cộng đồng thanh niên Việt Nam. Bằng những hành động cụ thể và mô hình thiết thực, đoàn viên thanh niên là những chiến binh thực thụ trong hành trình chung tay chống lại ô nhiễm rác thải nhựa, từng bước xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại.