Tất yếu
Nhờ nỗ lực vận động hành lang của Tổng thống Bush, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật về PNTR đối với Việt Nam với 212 phiếu thuận trên tổng số 396 phiếu. Ngay sau đó, dự luật được Thượng viện thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo: 79 phiếu thuận, 9 phiếu chống.

Một số Hạ nghị sỹ Hoa Kỳ đã phát biểu rằng PNTR cho Việt Nam không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế - thương mại, đây còn là bước đi quan trọng cuối cùng giúp hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ đầy đủ nhất giữa hai nước. Nếu năm 1994 đánh dấu bước bình thường hóa về quan hệ ngoại giao thì 12 năm sau, quy chế bình thường hóa về thương mại đã thực sự làm mờ những vết rạn chiến tranh, khép lại một chương buồn trong lịch sử hai nước, đưa hai quốc gia sánh vai trong quan hệ thương mại bình đẳng cùng có lợi. Việc thông qua PNTR cho Việt Nam đã giúp Quốc hội Hoa Kỳ không phải bận tâm đến việc có nên tiếp tục thi hành đạo luật Jason–Vanik (các biện pháp hạn chế thương mại mà Mỹ áp dụng đối với những nước thù địch, những nước theo chủ nghĩa cộng sản) với Việt Nam trong năm nay nữa hay không. Điều đó chứng tỏ sự phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương, mà trước hết là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Có lẽ giới doanh thương hai nước là những đối tượng vui mừng hơn cả. Phòng Thương mại Hoa Kỳ AmCham cho biết các tập đoàn Hoa Kỳ từng rất háo hức khi Việt Nam hoàn thành quá trình gia nhập WTO đầu tháng 11 vừa qua. Bước tiến mạnh dạn của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, tài chính và bảo hiểm, những lĩnh vực mà các tập đoàn của Hoa Kỳ rất có lợi thế. Nhưng chỉ vài ngày sau, họ lại rơi vào một nỗi thất vọng lớn khi PNTR không được thông qua. Họ lo ngại trước nguy cơ bị chậm chân so với các doanh nghiệp năng động hơn đến từ các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong cuộc chạy đua đầu tư vào Việt Nam. Nhưng giờ đây, cơ hội trở thành những doanh nghiệp tiên phong bước vào “một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, đã hội nhập với hệ thống thương mại thế giới dựa trên luật lệ quốc tế” đã được các nhà lập pháp trao lại cho họ.
Về phần mình, với vị thế của thành viên chính thức trong sân chơi thương mại lớn nhất hành tinh WTO, và với lợi thế sau khi thoát khỏi những ràng buộc của đạo luật Jason–Vanik, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường Hoa Kỳ, một cách an toàn và công bằng.
Ngẫu nhiên
Không thể phủ nhận việc Quốc hội Hoa Kỳ chấp nhận trao PNTR cho Việt Nam là một bước phát triển tất yếu của quá trình bình thường hóa quan hệ, phù hợp với lợi ích thiết thân của nhân dân hai nước. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng có những nhân tố ngẫu nhiên không liên quan trực tiếp tới quan hệ 2 nước đã góp phần tạo nên sự kiện này.
PNTR cho Việt Nam được thông qua trong cả gói nhiều dự luật về đối nội và đối ngoại trong những phiên họp cuối cùng trước khi quyền lực được chuyển giao từ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ tại hai viện Quốc hội Hoa Kỳ. Những nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa hiểu rằng chính sách với Iraq và kế hoạch cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế - xã hội sẽ là trọng tâm của Đảng Dân chủ trong nhiệm kỳ tới. Vì thế, họ cố gắng tận dụng quyền lực trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để tạo nên tiếng nói quyết định trong những lĩnh vực mà Đảng Dân chủ chưa có chính sách rõ ràng, đó là thương mại và quan hệ chiến lược.
Bên cạnh đó, thông qua PNTR cho Việt Nam vào thời điểm này còn có ý nghĩa rất đặc biệt đối với Chính quyền của Tổng thống Mỹ Bush. Không phải ngẫu nhiên mà Quốc hội Hoa Kỳ chỉ thông qua PNTR cho Việt Nam, còn một số nước khác vẫn phải chờ tới phiên họp khóa sau. Thông điệp mà Chính quyền của Tổng thống Bush muốn gửi đi đó là Hoa Kỳ hoàn toàn có thể hợp tác và phát triển quan hệ ngoại giao, thương mại bình đẳng với một nước mà họ từng can dự, nhất là khi có không ít người liên tưởng giữa cuộc chiến tại đất nước Đông Nam Á trước kia và cuộc chiến tại đất nước ở Trung Đông hiện nay.
Bên cạnh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt-Mỹ, cùng tác động của chiều hướng phát triển tất yếu của quan hệ song phương, những yếu tố khách quan, ngẫu nhiên xảy ra đúng vào thời điểm này đã tạo điều kiện để PNTR đối với Việt Nam được thông qua.
Minh Hiểu