Ưu tiên đào tạo nhân lực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao
Hải Dương hiện có 17 khu công nghiệp, trong đó có một khu công nghiệp kỹ thuật cao (theo quy hoạch đến năm 2030 có 32 khu công nghiệp); có 19.394 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh; 9.289 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 386.622 lao động, trong khu công nghiệp có 257 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 101.000 lao động.
Với quan điểm xuyên suốt bao trùm “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”, nguồn nhân lực được xác định là nền tảng quan trọng để Hải Dương phát triển bền vững, tăng lợi thế cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. “Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” đã đánh giá thực trạng và dự báo nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời xác định nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đề xuất phương hướng, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2030.
Báo cáo Đoàn giám sát của UBTVQH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Đề án là tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới.

Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó chú trọng nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Gắn kết hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động; tạo môi trường lao động thuận lợi để thu hút, phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để phát triển nguồn nhân lực…
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nguồn nhân lực của Hải Dương bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Phấn đấu đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có kỹ năng, kỹ thuật, tác phong công nghiệp, văn hóa và ý thức kỷ luật cao để xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Đề án đã đưa ra 3 nhóm giải pháp, gồm: phát triển số lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và hỗ trợ đời sống cho người lao động. Về cơ chế chính sách thực hiện Đề án, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị một số ngành nghề trọng điểm, nghề chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại đối với người học thông qua hình thức đặt hàng đào tạo; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với học sinh tốt nghiệp THPT khi doanh nghiệp đặt hàng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà giáo được cử đi đào tạo sau đại học…
Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu
Sau khi Đề án được ban hành, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn đã vào cuộc, tổ chức triển khai để hiện thức hóa các mục tiêu. HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND ngày 11.12.2024 quy định chính sách hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, với mức từ 2.000.000 đồng/người đến 20.000.000 đồng/người tùy theo đối tượng, ngành nghề và trình độ đào tạo. Hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo là người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, mức 13.000.000 đồng/người đối với trình độ trung cấp, 20.000.000 đồng/người đối với trình độ cao đẳng.
Hải Dương cũng từng bước tạo thị trường lao động trên môi trường số để gắn kết nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh với nguồn cung lao động trong và ngoài tỉnh. Trong đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây dựng trang thông tin điện tử “Vieclamhaiduong.vn” và hướng dẫn doanh nghiệp đăng tuyển người lao động (kể cả tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài). Tính đến tháng 12.2024, có tổng số 565 doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng với 1.350 chức danh công việc có nhu cầu tuyển dụng lao động. Ngày 26.3.2024, app Smart Hai Duong chính thức đưa vào vận hành, trong đó có mục Việc làm để các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động trong, ngoài tỉnh có thể dễ dàng tìm được nhu cầu đào tạo và việc làm.

Tỉnh đã cơ cấu lại nguồn nhân lực, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển tỉnh nhằm tận dụng tối đa các nguồn nhân lực phát triển. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại để phù hợp với thực tiễn. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã mời doanh nghiệp, cá nhân, người sử dụng lao động tham gia quá trình xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng, năng lực người học, qua đó giúp học sinh, sinh viên dễ tiếp cận quy trình sản xuất của doanh nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, có 2 trường thuộc tỉnh được hỗ trợ đầu tư, trong đó Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương được đầu tư 70 tỷ đồng, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Hải Dương được đầu tư 41,2 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, tỉnh có 8 cơ sở tư thục hiện đang tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 1 doanh nghiệp hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tuy thời gian thực hiện chưa dài, nhưng một số chỉ tiêu trong Đề án đã đạt và gần đạt, như tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đến năm 2024 ước đạt 32,7% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 33%); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các trường nghề đạt từ 18 - 23,3% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 20 - 25%). Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2024 đạt 153.494 người; tỷ lệ người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo đạt từ 80 - 90% (mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tuyển sinh đạt 192.100 người; tỷ lệ có việc làm đạt 85%)…
Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương trong xây dựng và thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Như Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nhận xét: “Đề án đưa ra nhiều giải pháp, chính sách cụ thể; có kế hoạch tổ chức thực hiện. Nghiên cứu Đề án cho thấy những vấn đề cơ bản về nguồn nhân lực ở Hải Dương”. Đoàn giám sát mong muốn địa phương có thêm nhiều chính sách mạnh mẽ hơn, để cùng với các chính sách của Trung ương, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển trên địa bàn.