![]() Cựu Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào chúc mừng ông Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Nguồn: Tân Hoa Xã |
Lên nắm quyền từ tháng 11.2012 sau các vụ bê bối chính trị khiến hình ảnh của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bị xấu đi nghiêm trọng, ông Tập Cận Bình gây ấn tượng với người dân Trung Quốc nhờ những tuyên bố thẳng thắn chống tham nhũng, cam kết thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện công bằng xã hội và giải quyết vấn đề chất lượng cuộc sống. Nhà lãnh đạo này cũng tạo cho mình một phong cách điều hành đất nước mới với lối diễn đạt thoải mái, thẳng thắn. Ông còn áp đặt phong cách sống và làm việc cho các cán bộ, yêu cầu họ phải sống giản dị hơn, tránh xa thói sống xa hoa trụy lạc…
Tại sao lại phải bắt đầu từ phong cách sống của người lãnh đạo? Các vụ bê bối tham nhũng liên tục bị phanh phui ở Trung Quốc đã cho thấy sự tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận quan chức địa phương có nhiều đặc quyền đặc lợi, làm xấu đi hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điển hình là vụ Bạc Hi Lai, người bị tố cáo lạm dụng quyền hành, tham nhũng, tiếp tay cho các hành động phạm tội của vợ ông ta.
Trong cuộc họp Ủy ban Kỷ luật - một cơ quan chống tham nhũng của Đảng - ông Tập Cận Bình đã khẳng định lại quyết tâm “làm sạch” Đảng. Ông nhấn mạnh: “Phong cách làm việc không phải là chuyện phù phiếm. Nếu ta không kiên quyết sửa chữa lối sống không lành mạnh, nếu cứ để nó kéo dài thì đó sẽ là một bức tường vô hình ngăn giữa Đảng và quần chúng, Đảng sẽ mất đi nền tảng, huyết mạch và sức mạnh của mình”.
Thực tế, sự thay đổi phong cách làm việc, kiên quyết đẩy mạnh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng là cần thiết vì khi trở thành con người quyền lực nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ phụ trách các vấn đề kinh tế và chính trị hóc búa. Nhà lãnh đạo này sẽ dẫn dắt 1/5 dân số thế giới và có nhiệm vụ đưa các chính sách ngoại giao và nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc lên những tầm cao mới trong thập kỷ tới.
Chủ tịch Tập Cận Bình là một chính khách có uy tín lãnh đạo rất cao và sự thăng tiến của ông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phản ánh chính xác điều đó. Ông được đánh giá là “người làm được nhiều việc” và “làm rất tốt các việc đó”. Ông từng nắm giữ một số chức vụ cấp cao trong chính trường Trung Quốc, như Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, Bí thư Tỉnh ủy Triết Giang, Bí thư Thành ủy Thượng Hải... Đây là 3 trong số những khu vực thịnh vượng nhất ở Trung Quốc và ông Tập Cận Bình nổi bật vì hiện vẫn là quan chức giám sát sự tăng trưởng của những khu vực này.
Phong cách lãnh đạo mới là hệ quả tất yếu xuất phát từ tình hình thực tế Trung Quốc hiện nay. Kể từ sau đại hội năm ngoái, ban lãnh đạo mới tại Trung Quốc đã tạo ra nhiều điểm nhấn theo phong cách của Tập Cận Bình. Cố Túc, chuyên gia phân tích chính trị và là Giáo sư Luật học tại Đại học Nam Kinh, cho rằng ban lãnh đạo mới đã thực hiện ít nhất 4 sự thay đổi. Đó là chấn chỉnh cung cách làm việc lãng phí; giải quyết nhanh chóng những cáo buộc tham nhũng đối với hàng chục quan chức cấp cao; ủng hộ cải cách; và chuyển từ lối nói khoa trương sang lối nói thực tế hơn.
Nhiều quan chức cấp cao cấp tỉnh và các quan chức địa phương đã bị xử lý trong chiến dịch chống tham nhũng. Việc bổ nhiệm Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn làm Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được coi là một dấu hiệu cho thấy cam kết của ban lãnh đạo mới trong việc giải quyết nạn tham nhũng lan tràn, một nguyên nhân lớn dẫn đến sự bất mãn của công chúng đối với Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc. Ông Vương Kỳ Sơn được coi là một nhà quản lý có năng lực, một chuyên gia dàn xếp và là một người có khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn.
Giáo sư Mã Quốc Hiền, chuyên gia phân tích chính trị và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công của Đại học Kinh tế - Tài chính Thượng Hải đã tổng kết những thay đổi là: “Nói gọn trong một từ, đó là đổi mới. Nhiều thứ đã được đổi mới. Họ đã chứng tỏ họ khác xa các nhà lãnh đạo của thế hệ thứ ba (Giang Trạch Dân) và thứ tư (Hồ Cẩm Đào), từ suy nghĩ, hành động đến ngôn ngữ”. Ban lãnh đạo mới đang từng bước giành lại sự tin tưởng của công chúng vốn đã bị mai một sau một loạt những vụ bê bối.
Tuy nhiên, hiệu quả những thay đổi này đến đâu vẫn cần thời gian để kiểm chứng. Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Nottingham (Anh), nhận định: “Họ đã làm những việc thu hút sự chú ý, nhưng liệu cuối cùng họ có thực hiện được những gì họ đã nói hay không thì chúng ta vẫn cần phải chờ xem”.