Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của nữ trí thức để phát triển đất nước: Thực trạng và Giải pháp” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam phố hợp tổ chức, ngày 6.4.
Nhiều nhà khoa học nữ tài năng
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, những năm qua, nữ trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam PGS. TS Trần Tuấn Anh nhận định, tại Việt Nam, khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước). Phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
“Việc đánh giá đúng, giao trọng trách và tôn vinh các nhà khoa học nữ không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mà còn góp phần tạo cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển khoa học công nghệ…”, PGS. TS Trần Tuấn Anh cho biết.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, rào cản đối với phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói chung vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, họ đã nỗ lực, kiên kỳ vượt qua muôn vàn khó khăn để gặt hái những thành công trong nghiên cứu khoa học. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các phụ nữ Việt trong việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả các nghiên cứu khoa học.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều thành tựu, kết quả nghiên cứu của nữ trí thức Việt đã được ứng dụng vào mạnh mẽ và hiệu quả. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nữ tri thức tỉnh Thừa Thiên Huế ThS. Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, tỷ lệ nữ trí thức đã tăng dần ở những năm gần đây và được trẻ hóa là một xu hướng phát triển đáng phấn khởi. Các chị, em đã tham gia hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội, đảm nhận nhiều vị trí, trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học, văn học, nghệ thuật, nữ trí thức đã có nhiều công trình, tác phẩm có giá trị cao. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học do phụ nữ làm chủ nhiệm. Nhiều chị đã đạt được những giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trong đó, Đại học Huế là nguồn lực khoa học lớn, là kho báu tri thức mà không phải nơi nào cũng có được. Trong sự phát triển về mọi mặt của Đại học Huế, luôn có vai trò quan trọng của các nhà khoa học nữ. Đại học Huế hiện có khoảng gần 3.630 viên chức, người lao động trong số đó nữ viên chức chiếm hơn một nửa (2.072 người); số nhà khoa học nữ thuộc Đại học Huế có học vị Tiến sỹ là 313/773 người, chiếm tỷ lệ 40,49%; nữ Giáo sư, Phó Giáo sư được công nhận đạt chuẩn chức danh là 46/214 người, chiếm tỷ lệ 21,5%. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò của nữ trí thức; đòi hỏi các nữ trí thức phải đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo hơn.
Vẫn tồn tại rào cản
Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó, có trình độ, vị trí khoa học và những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Rất nhiều đề tài ở các lĩnh vực khác nhau do nữ trí thức chủ trì ở quy mô quốc gia, cấp bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố được triển khai thực hiện đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những rào cản, hạn chế khiến kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng của nữ trí thức Việt Nam.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại, các chuyên gia đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống để phát triển đất nước. Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương, GS. TS Vũ Thị Thu Hà cho rằng, cần mạnh dạn khoán đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi vẫn đảm bảo quản lý hiệu quả và khoa học về tài chính hướng tới mục tiêu 100% năng lực và năng lượng của nhà khoa học dành cho hoạt động chuyên môn. Đầu tư có trọng tâm và đầu tư đến “ngưỡng”. Ngoài ra, phải thừa nhận “rủi ro” là đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ. Cần hiểu biết sâu sắc hơn về những khó khăn trong quá trình ứng dụng và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vùng đệm - hoàn thiện công nghệ, sản phẩm, thương mại hoá thử nghiệm.
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, GS. TS. Lê Thị Hợp nêu rõ, để nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian tới, cần tăng cường sự tham gia và đóng góp của nữ trí thức và việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế cần tăng cường đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ. Xã hội hoá và đa dạng nguồn vốn cho hoạt động này… Tăng cường hợp tác quốc tế trong triển khai các hoạt động, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cần nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới. Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ...