Tham dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo 12 địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Thuận, Bình Phước.
Hội nghị được tổ chức nhằm làm rõ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án số 06.
Đề án đi sâu vào từng ngóc, ngách
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết một số kết quả triển khai Đề án 06/CP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đánh giá chung về dịch vụ công theo Bộ chỉ số đánh giá chất lượng, có 7 địa phương có điểm đánh giá đạt loại tốt, 2 địa phương đạt điểm khá, 3 địa phương đạt điểm trung bình. Về tỷ lệ số hóa hồ sơ, 8 địa phương có điểm đánh giá khá và tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử tương đối tốt.
Về số hóa dữ liệu hộ tịch, căn cứ báo cáo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 11.11.2024, trên toàn quốc đã có 15 địa phương hoàn thành, 18 địa phương cơ bản đã hoàn thành. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đã số hóa 12,8 triệu hồ sơ (tỷ lệ 100%); Bình Dương cơ bản hoàn thành số hóa với 1.070.426 dữ liệu (tỷ lệ 100%); 10 địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024.
Trên cơ sở triển khai tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID tại 63/63 địa phương, UBND 12 đơn vị đã có kết quả triển khai. Cụ thể, TP.Hồ Chí Minh tích hợp 1.086.568 sổ – đứng thứ 2 toàn quốc; đã có 47 địa phương trên toàn quốc chính thức triển khai cấp phiếu Lý lịch Tư pháp trên ứng dụng VNeID, cụ thể: 7 địa phương đã chính thức triển khai (Thanh Hóa, Nam Định, Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận). Tỉnh Bình Phước đã hoàn thành thử nghiệm, chính thức triển khai từ ngày 1.11.2024; 4 địa phương còn lại đang tiến hành thử nghiệm, gồm: Thái Bình, Đồng Nai, Thái Nguyên, Kiên Giang.
Có thể khẳng định sau gần 3 năm triển khai, Đề án số 06 đã đi sâu vào từng "ngóc, ngách", nhận thức của 4 cấp từ Trung ương đến địa phương, là một hợp phần quan trọng của chương trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay - đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết.
Theo thống kê, tới nay, toàn quốc đã tích hợp 14,8 triệu thông tin công dân vào Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Tính đến 13.11.2024, đã có 47 địa phương triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID với 24.887 hồ sơ (tăng 45 địa phương so với ngày 2.10.2024). Đồng thời, đã hoàn thành số hóa trên 46 triệu thửa đất tại 461/705 huyện trên toàn quốc, 15 địa phương đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch. Một số địa phương đã phối hợp tốt với các bộ, ngành trong triển khai các mô hình thúc đẩy Đề án số 06 trên địa bàn.
Tại Hội nghị, đại diện một số Bộ ngành, địa phương đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch, số hóa dữ liệu đất đai; vướng mắc trong triển khai Sổ sức khỏe điện tử, Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đánh giá Bộ chỉ số chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; liên thông dữ liệu sổ sức khỏe điện tử giữa các cơ sở khám chữa bệnh…
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, mang tính toàn cầu. Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chuyển đổi số, mà nòng cốt là triển khai Đề án số 06. Bộ Công an đã theo dõi sát, đôn đốc, làm việc rất trách nhiệm trong triển khai Đề án 06. Những kết quả tích cực bước đầu đạt được đã phần nào thể hiện được sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương.
Tuy nhiên, qua theo dõi của Tổ công tác triển khai Đề án số 06, vẫn còn một số địa phương chưa đạt được kết quả như mong đợi. Việc triển khai các mô hình điểm còn mang tính hình thức, chưa có kết quả rõ nét; chưa phát huy tốt vai trò của Đề án số 06 đối với phát triển kinh tế-xã hội và quản lý xã hội. Một số địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024. Nhiều cơ chế, chính sách cho triển khai Đề án còn thiếu, cần phải sớm bổ sung, hoàn thiện…
Theo đó, để quản trị đất nước tốt hơn trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy việc phục vụ người dân là cao nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị: các Bộ, ngành địa phương phát huy những kết quả đạt được, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án số 06.
Đối với các Bộ, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác tập huấn, bố trí nguồn lực, bổ sung và hoàn thiện các danh mục, tiêu chí thuộc lĩnh vực của bộ, ngành mình để tạo các điều kiện thuận lợi các địa phương trong triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các địa phương thuộc phạm vi, lĩnh vực của bộ, ngành mình quản lý.
Các địa phương cũng cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu trong kế hoạch chuyển đổi số nói chung và Đề án số 06 nói riêng trên tinh thần bám sát kế hoạch, có lộ trình, giải pháp khả thi trong thực hiện.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác triển khai Đề án số 06 đã ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về số hóa dữ liệu và tái sử dụng kết quả số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực cư trú và đất đai; ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Kiên Giang trong thúc đẩy triển khai Đề án số 06 trên địa bàn Thành phố Phú Quốc; ra mắt ứng dụng liên kết với VNeID của TP. Hồ Chí Minh.