Tham dự có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương Nguyễn Quế Lâm; Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao; đại diện các ban, bộ ngành liên quan của Việt Nam và Australia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng nhưng hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, xu thế chủ đạo. Để đạt được lợi ích quốc gia, nâng cao tầm ảnh hưởng, vị thế, uy tín trên trường quốc tế, việc tăng cường phát huy sức mạnh mềm thông qua hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị - xã hội và chính sách đối ngoại đang được nhiều quốc gia theo đuổi.
"Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra vô cùng nhanh và mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều phương thức truyền thông mới như truyền thông internet, mạng xã hội, sức mạnh mềm càng có thêm nhiều không gian, môi trường và công cụ để triển khai, lan tỏa. Các phương tiện truyền thông hiện đại trở thành những công cụ có sức mạnh to lớn, với khả năng truyền tải thông tin gần như tức thời, tính tương tác cao, phạm vi lan tỏa rộng, mức độ ảnh hưởng sâu sắc".
Nhấn mạnh như vậy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, Hội thảo có ý nghĩa không chỉ với cơ quan chủ trì hai nước mà còn đối với các đại biểu tham dự đến từ các ban, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Trước hết, đây là cơ hội để hai nước hiểu biết thêm về nhau, cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn có giá trị tham khảo và tính ứng dụng cao đối với các nhà hoạch định chính sách của hai nước. Đồng thời, là cơ hội để kết nối, chia sẻ về những vấn đề chung mà hai bên cùng quan tâm; khơi gợi nguồn cảm hứng, tạo động lực cho các nhà nghiên cứu về sức mạnh mềm, ngoại giao số, ngoại giao công chúng có thêm ý tưởng mới và tiếp tục đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các địa phương của Việt Nam sẽ có thêm động lực, chất xúc tác để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, tham gia thảo luận các vấn đề trọng tâm như: thực trạng chính sách quốc gia của Việt Nam về tăng cường sức mạnh mềm, thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới; các giải pháp, sáng kiến tăng cường hơn nữa sức mạnh mềm của Việt Nam trên nền tảng truyền thông hiện đại.
Hội thảo cũng đã nghe chia sẻ kinh nghiệm của Australia về tăng cường sức mạnh mềm trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới; qua đó cùng làm rõ vai trò của truyền thông hiện đại với việc tăng cường sức mạnh mềm quốc gia thông qua ngoại giao số, ngoại giao công chúng, thương hiệu quốc gia.
Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng sức mạnh mềm cần gắn bó chặt chẽ với khoa học công nghệ và sự thích ứng của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Hiện nay, mạng xã hội là phương thức lan truyền thông tin rất nhanh nhưng cũng đặt ra những thách thức như quản lý tin giả, thông tin sai lệch; xây dựng nguyên tắc ứng xử trên mạng xã hội. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông hiện đại, rất cần một đội ngũ nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu của thời đại, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, cách mạng khoa học - công nghệ là một xu thế không thể đảo ngược và tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, do đó, việc lựa chọn chính sách đối nội và đối ngoại để kịp thời thích ứng với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ đó đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm của bạn bè quốc tế. Hội thảo là nguồn thông tin thực tiễn phong phú để Việt Nam tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách đối ngoại trong kỷ nguyên số.