Hội thảo khoa học quốc tế "Nguồn lực cho truyền thông chính sách" là hoạt động trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ (giai đoạn 2) do KOICA tài trợ.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia Việt Nam, chuyên gia Hàn Quốc đến từ Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc và Đại học Korea.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về truyền thông chính sách; kinh nghiệm và cách làm hay trong huy động, sử dụng nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành và cơ quan báo chí.
Chỉ thị số 7/CT-TTg, ngày 21.3.2023, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách đã tạo ra sự chuyển động rõ nét trong nhận thức và cách tiếp cận của các bộ, ngành và cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách trở thành phần thiết yếu, gắn liền với quy trình chính sách từ bước hoạch định, ban hành, thực thi đến đánh giá chính sách.
Truyền thông chính sách không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân mà còn nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Nhờ tổ chức tốt công tác truyền thông chính sách, chính sách được người dân tiếp nhận, ủng hộ và thực hiện.
Nhiều ý kiến nhận định, sự quan tâm và các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác truyền thông chính sách là một nguồn lực quan trọng cho công tác này. Bên cạnh đó, các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan báo chí cần tăng cường đầu tư nguồn lực con người, tài chính, công nghệ và các nguồn lực khác để truyền thông chính sách hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách.
Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn khẳng định, các cơ quan báo chí là lực lượng chủ lực trong công tác truyền thông chính sách. Khi truyền thông chính sách tốt, các nhà báo xây dựng diễn đàn chính sách, tạo cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Báo chí giúp người dân tiếp nhận thông tin chính sách, đồng thời tham gia vào quá trình hoạch định, thảo luận, phản biện chính sách đúng với tinh thần “lấy người dân làm trung tâm” trong truyền thông chính sách.
Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa đánh giá chính sách tốt được truyền thông tốt sẽ được người dân tiếp nhận, ủng hộ và thực hiện, mang lại lợi ích chung cho xã hội. Muốn truyền thông chính sách hiệu quả, chúng ta cần đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo, nhà truyển thông chính sách chuyên nghiệp.
Nhận thức được tầm trọng của truyền thông chính sách, truyền thông chính phủ với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, từ năm 2016 đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dưới sự hỗ trợ, đồng hành của KOICA Việt Nam đã thực hiện Dự án nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ (giai đoạn 2).
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS. TS. Phạm Minh Sơn cho rằng, trong bối cảnh truyền thông số và bùng nổ thông tin hiện nay, cần đào tạo các nhà báo, nhà truyền thông chính sách chuyên nghiệp. Từ năm 2018, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở chương trình cử nhân truyền thông chính sách nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bộ, ngành và cơ quan báo chí.
PGS. TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh: "Việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường truyền thông chính sách. Bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, phông kiến thức chính trị, kinh tế và xã hội, nhà báo, nhà truyền thông chính sách cần tham khảo mô hình, kinh nghiệm quốc tế".