Dự buổi Lễ có: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh; Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc,… cùng đại diện một số Bộ, ban ngành liên quan và hàng trăm lãnh đạo các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhận định, dư địa phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, nếu không đưa công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội chúng ta sẽ khó thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình… Tại văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hay các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều khẳng định Việt Nam đều khẳng định, khoa học công nghệ là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển đột phá. Nhân tố chính giúp việc đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội chính là các doanh nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh, Doanh nghiệp Việt Nam là đối tác, động cơ, động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò thúc đẩy sự hình thành thế hệ doanh nghiệp mới. Các doanh nghiệp đó, có hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ mạnh mẽ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh…
“Trong giai đoạn mới, doanh nghiệp chính là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là trung tâm của việc truyền tải khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội… Để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, phát triển bền vững thì việc xây dựng hành lang pháp lý và các bộ tiêu chuẩn về hàng hoá, tiêu chuẩn về xác định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tiêu chuẩn của các hàng rào kỹ thuật của hàng hoá Việt Nam… Đặc biệt là việc xây dựng các chương trình, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và hết sức cần thiết…”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh khẳng định.
Phát biểu tại buổi Lễ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc chia sẻ, tinh thần yêu nước đã nằm trong gen của người Việt. Mỗi một giai đoạn, lòng yêu nước đó lại có biểu hiện trung tâm khác nhau. Trong giai đoạn xây dựng đất nước, biểu hiện trung tâm của tinh thần yêu nước là khởi nghiệp để xây dựng đất nước.
Đồng tình với quan điểm đó, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh, tinh thần khởi nghiệp đang phát triển một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhìn lại quá trình mười năm trước, nền kinh tế đón nhận trung bình mỗi năm khoảng 50.000-60.000 doanh nghiệp mới ra đời. Song sang đến năm 2023, con số này đã lên tới gần 200.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Điều đó, cho thấy khát khao trưởng thành, phát triển của những người khởi nghiệp tại Việt Nam…
Viện nghiên cứu Khởi nghiệp trực thuộc Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, được thành lập theo Quyết định số 61/QĐ-KNQG, ngày 18.12.2023 của Ban Thường vụ Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia. Viện nghiên cứu Khởi nghiệp đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp “Chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ” ngày 8.3.2024. Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp có chức năng nghiên cứu khoa học, tư vấn, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong lĩnh vực phát triển khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.
Tại buổi Lễ, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết, mục tiêu tối thượng của Viện nghiên cứu khởi nghiệp là hỗ trợ, bồi dưỡng, khai mở cho doanh chủ những hiểu biết, năng lực và điều kiện cần thiết để doanh chủ có sức khỏe toàn diện, có nhân cách kiện toàn, có phẩm chất ưu tú, đạo đức trong sáng, có tâm niệm cống hiện xây dựng đất nước. Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp sẽ đồng hành và trợ giúp các doanh nghiệp tìm ra con đường phát triển riêng biệt để đạt được các thành tích vượt trội một cách bền vững, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.
Cũng theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, mục tiêu đến năm 2045 Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp trở thành đơn vị nghiên cứu và đào tạo hàng đầu về khởi nghiệp, kinh doanh và phát triển cá nhân cho nhà khởi nghiệp.
Trong khuôn khổ buổi Lễ, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp đã ký kết hợp tác với các đối tác. Là một trong các đối tác Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ứng dụng và phát triển giải pháp đa thương toàn cầu (GBA) Nguyễn Thị Lụa chia sẻ, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ra đời là một hoạt động hết sức ý nghĩa với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài mục tiêu kết nối giúp doanh nghiệp phát triển, theo lộ trình, Viện sẽ kết nối với các trường Đại học và các dự án khởi nghiệp nhằm đồng hành, giúp các bạn sinh viên, người trẻ trang bị các kỹ năng về khởi nghiệp.
Tại sự kiện, Viện nghiên cứu Khởi nghiệp lần đầu tiên giới thiệu Báo cáo Khung chỉ số thúc đẩy Khởi nghiệp Quốc gia, đồng thời công bố Đại hội Công nghiệp Dược liệu và Thẩm mỹ Quốc gia, lần thứ II (National Aesthetic Industry Summit 2024), tại Quảng Nam, năm 2024.