Tính đến sáng 23.2 (giờ Việt Nam), đã có tổng cộng 67 nghị sĩ ký vào Thư kiến nghị bất tín nhiệm gửi lên Ủy ban Kỷ luật của Hạ viện Anh nhằm bày tỏ sự mất niềm tin “một cách nghiêm trọng” đối với Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle. Dự thảo kiến nghị do nghị sĩ William Wragg của đảng Bảo thủ khởi xướng, được trình lên với một câu duy nhất: “Hạ viện không tin tưởng vào Ngài Chủ tịch Hạ viện”, đã được 33 nghị sĩ đảng Bảo thủ và đảng Dân tộc Scotland (SNP) ký tên ngay trong tối ngày 21.2 giờ địa phương (sáng ngày 22.2 giờ Việt Nam).
Quyết định trên được đưa ra sau khi người đứng đầu Hạ viện, vốn là một vị trí được yêu cầu phải luôn trung lập về mặt chính trị, đã phá vỡ một quy tắc lâu đời của Nghị viện khi cho phép đưa ra thảo luận một kiến nghị sửa đổi của Công đảng đối với đề xuất của SNP về ngừng bắn ở Gaza. Quy tắc này quy định rằng, các kiến nghị do các đảng đối lập đưa ra chỉ có thể được Chính phủ sửa đổi chứ các đảng đối lập khác không được sửa đổi. Nhưng ông Hoyle đã bỏ qua điều này để mở rộng thêm cuộc tranh luận.
Chuyện gì đã xảy ra?
Để hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra, chúng ta cần hiểu rõ các quy định về thủ tục của Hạ viện Anh như sau:
Theo quy định, phần lớn nội dung chương trình thảo luận của Hạ viện là do đảng đa số (đảng Bảo thủ) quyết định. Tuy nhiên, mỗi năm, sẽ có 20 ngày dành cho các đảng đối lập, trong đó đảng đối lập chính là Công đảng có 17 ngày thiết lập chương trình nghị sự và đảng đối lập thứ hai (SNP) có 3 ngày. Vào ngày này, họ có thể lựa chọn đưa ra vấn đề nào để thảo luận hay bỏ phiếu.
SNP đã chọn 21.2 là ngày đưa ra kiến nghị về "lệnh ngừng bắn ngay lập tức" ở Gaza, lập trường mà đảng này đã giữ kể từ tháng 11. Tuy nhiên, kiến nghị của SNP có một số nội dung gây tranh cãi, chẳng hạn như có cụm từ “sự trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine” – một cụm từ có thể dẫn đến cáo buộc tội ác chiến tranh đối với Israel; và không bao gồm lời kêu gọi giải pháp hai nhà nước, điều mà Công đảng phản đối.
Tính toán của SNP
Ở một mức độ nào đó, động thái này là có sự tính toán của SNP đối với Công đảng nếu nhìn vào những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Trong một cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.2023 về tình hình ở Gaza, Công đảng đã phải hứng chịu một cuộc nổi dậy trong nội bộ đảng với 56 nghị sĩ “đào ngũ” khi bỏ phiếu ủng hộ SNP và chống lại chính đảng của họ để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với lệnh ngừng bắn.
Cùng với mong muốn bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối về một lệnh ngừng bắn, SNP rõ ràng đã nhìn thấy cơ hội để chia rẽ Công đảng một lần nữa với kiến nghị về vấn đề này.
Hai kiến nghị sửa đổi
Để tránh sự chia rẽ nội bộ, Công đảng đã đưa ra bản sửa đổi riêng của mình đối với đề nghị của SNP. Điều này kêu gọi “lệnh ngừng bắn nhân đạo” bao gồm các điều kiện bổ sung, chẳng hạn như sự ủng hộ giải pháp hai nhà nước và kiến nghị bỏ cụm từ “sự trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine”. Tuy nhiên, theo truyền thống về thủ tục tại Hạ viện, không có chuyện các đảng đối lập tìm cách sửa đổi kiến nghị của các đảng đối lập khác mà thông thường chỉ có đảng cầm quyền được phép sửa đổi.
Trong trường hợp kiến nghị sửa đổi của phe đối lập được đưa ra, kiến nghị này sẽ được bỏ phiếu trước, trước kiến nghị ban đầu (trong trường hợp này là kiến nghị của SNP).
Điểm mấu chốt của vụ việc ngày 21.2 là Chính phủ cũng đưa ra bản sửa đổi riêng của mình đối với đề xuất SNP với một danh sách các điều kiện còn chặt chẽ hơn theo hướng có lợi cho Israel.
Trong tình huống này, Chủ tịch Hạ viện sẽ quyết định lựa chọn sửa đổi nào - và thường chỉ một sửa đổi được lựa chọn. Và thông thường sẽ phải lựa chọn kiến nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến kiến nghị của Công đảng không thể được xem xét.
Quyết định bất ngờ của Chủ tịch Hạ viện
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle đã đưa ra một quyết định bất ngờ khi cho phép cả hai kiến nghị được đưa vào chương trình nghị sự để thảo luận và biểu quyết để tạo điều kiện cho cuộc tranh luận rộng rãi nhất có thể.
Mặc dù quyết định của ông Hoyle không hoàn toàn trái với các quy định của Hạ viện cho phép tiến hành cả hai sửa đổi nhưng lại đi ngược lại truyền thống lâu đời của cơ quan này.
Ông Hoyle dường như đã đưa ra quyết định chọn cả hai kiến nghị sửa đổi để bỏ phiếu sau khi nói chuyện với các nghị sĩ Công đảng về những lo ngại an toàn của họ. Một số nghị sĩ cho biết, họ đã phải đối mặt với những lời đe dọa bạo lực vì không lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn.
Hồi tháng 12, văn phòng của Nghị sĩ Công đảng Mike Freer đã bị những người ủng hộ ngừng bắn đốt phá và ông đã từ chức nghị sĩ vì lo ngại về an toàn cá nhân.
Quyết định của Chính phủ
Sau quyết định của Chủ tịch Hạ viện cho phép Công đảng sửa đổi kiến nghị của SNP, đảng Bảo thủ cầm quyền đã rút lại kiến nghị của họ. Và do đó, bản sửa đổi của Công đảng đã được thông qua mà không cần bỏ phiếu. Còn kiến nghị ban đầu của SNP đã không được bỏ phiếu.
Nếu Chính phủ không rút lại kiến nghị của mình, đáng lẽ sẽ có 3 cuộc bỏ phiếu. Các nghị sĩ trước tiên sẽ bỏ phiếu về sửa đổi của Công đảng (sửa đổi này có thể không được thông qua do đảng Bảo thủ chiếm đa số), sau đó là kiến nghị ban đầu của SNP (cũng có thể không được thông qua) và cuối cùng là về sửa đổi của chính phủ. Về bản chất, Chủ tịch Hạ viện muốn tất cả những kiến nghị và sửa đổi của các bên đều được đưa ra biểu quyết - chỉ là mọi chuyện đã không diễn ra theo cách đó.
Thông qua sửa đổi Công đảng
Giữa sự hỗn loạn của việc chính phủ rút lui (với lý do họ chưa chuẩn bị kỹ dự thảo của mình), một cuộc bỏ phiếu cuối cùng đã diễn ra. Các kiến nghị sửa đổi của Công đảng đối với kiến nghị của SNP đã được thông qua. Điều đó có nghĩa là kiến nghị của SNP đã được sửa đổi và thông qua một cách hợp lệ (nhưng không phải ở dự thảo ban đầu mà đảng này mong muốn).
Sự tức giận của SNP
Các nghị sĩ SNP đã vô cùng tức giận. Bởi đó là chương trình thảo luận trong ngày của họ và mỗi năm họ chỉ có 3 ngày được toàn quyết quyết định về nội dung thảo luận.
Các thành viên của SNP và đảng Bảo thủ cầm quyền trong một lần thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi, đã tổ chức một cuộc đi bộ bên ngoài hội trường Hạ viện để phản đối điều mà họ cho là vi phạm quy tắc về thủ tục của Hạ viện mà ông Lindsay Hoyle đã phạm phải.
Chủ tịch Hạ viện Hoyle sau đó đã xin lỗi vì sự hỗn loạn mà ông đã gây ra. Ông thừa nhận đó là một “quyết định sai lầm” khi ông cố gắng bảo vệ các nghị sĩ sau khi nhận được thông tin về những mối đe dọa “đáng sợ” đối với họ nếu quan điểm của Công đảng không được tranh luận.
Quan điểm của các bên
Một số nghị sĩ gọi quyết định của Chủ tịch Hạ viện Hoyle là "mang tính chính trị công khai", như Channel 4 News đưa tin, và cho rằng đây là một nỗ lực nhằm hỗ trợ lãnh đạo Công đảng Keir Starmer, người có khả năng phải đối mặt với sự nổi loạn từ các thành viên trong đảng của ông. Một nghị sĩ Công đảng cho biết, họ đã bị nhiều người biểu tình đe dọa nếu bỏ phiếu phản đối kiến nghị của SNP về một lệnh yêu cầu Israel ngừng bắn ngay lập tức.
Ông Hoyle cho biết SNP có thể tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp về Gaza riêng, nhưng lời đề nghị này không thể xoa dịu được lãnh đạo của SNP tại Hạ viện Stephen Flynn, người cho rằng quan điểm của Chủ tịch Hạ viện là không thể biện hộ được.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các quyết định của ông Hoyle. Vị thủ tướng gốc Ấn Độ cho biết chính trường đảo quốc sương mù “không cho phép việc các lời đe dọa mang tư tưởng cực đoan làm ảnh hưởng đến quá trình lập pháp tại Hạ viện Anh”, hoặc thay đổi các giao thức theo quy định một cách vi Hiến.
Cựu tổng chưởng lý Geoffrey Cox thì cho rằng, dù là với lý do nào thì hành vi của ông Hoyle là không thể chấp nhận được. Ông Cox nói: “Có hai cách giải thích cho quyết định của Chủ tịch Hạ viện khi từ bỏ nguyên tắc của cơ quan lập pháp”. “Đầu tiên, ông ấy có thể làm điều đó để giúp cựu lãnh đạo đảng của mình thoát khỏi áp lực. Thứ hai, như ông ấy nói, ông ấy đã làm điều đó trong một nỗ lực sai lầm để bảo vệ một số nghị sĩ Công đảng khỏi sự đe dọa mà họ nói rằng lẽ ra sẽ xảy ra nếu họ bỏ phiếu chống lại kiến nghị của SNP. Dù là lý do nào cũng không thể chấp nhận được. Nếu là lý do đầu tiên thì đó là sự lạm dụng chức vụ. Nếu là lý do thứ hai thì đó là sự đầu hàng của Nghị viện trước các mối đe dọa từ bên ngoài”.
Công Đảng và đảng Dân chủ Tự Do đối lập vẫn bày tỏ sự ủng hộ với ông Hoyle. Trong đó, lãnh đạo chính đảng này, Sir Keir Starmer, bác bỏ việc ông đã “gây áp lực với” ông Hoyle để đưa đề xuất của chính đảng này lên trước SNP. Ông Starmer cho biết bản thân ông chỉ kêu gọi vị Chủ tịch Hạ viện đảm bảo rằng cuộc tranh luận về kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza sẽ có “nhiều quan điểm nhất có thể” để đảm bảo tính dân chủ.
Tuy nhiên, có vẻ như Chính phủ không sẵn sàng với việc thay thế vị trí của ông Hoyle. Bộ trưởng Ngoại giao Andrew Mitchell, người đứng đầu nỗ lực của Chính phủ trong cuộc tranh luận ở Gaza, nói với Times: “Nếu được hỏi là chúng tôi có đang cố gắng lật đổ ông ấy không thì câu trả lời là không. Như tôi đã nói, tôi nghĩ đó là một việc gây tranh cãi. Nhưng Chủ tịch Hạ viện đã xin lỗi vì điều đó và tôi nghĩ mọi việc có thể dừng ở đó”.
Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle là ai?
Lindsay Hoyle, một chính trị gia người Anh 66 tuổi, từng là thành viên của Công đảng trước khi trở thành Chủ tịch Hạ viện và từng là nghị sĩ từ năm 1997. Ông Hoyle đã phục vụ trong Ủy ban Lựa chọn Công nghiệp và Thương mại của Quốc hội và Ủy ban Giám sát Châu Âu. Ông đã giữ vai trò Chủ tịch Hạ viện kể từ khi thay thế John Bercow vào năm 2019. Do những cải cách vào năm 2010, Chủ tịch Hạ viện được bầu bởi các nghị sĩ thay vì Lãnh đạo Hạ viện.
Vai trò của Chủ tịch Hạ viện là gì?
Chủ tịch Hạ viện là một vị trí phi đảng phái. Chủ tịch Hạ viện chủ trì các cuộc tranh luận tại Hạ viện và đại diện cho cơ quan này trong các dịp và sự kiện mang tính nghi lễ. Mặc dù là một trong số các nghị sĩ, nhưng người đứng đầu Hạ viện phải bảo đảm không có lập trường về các vấn đề chính trị hoặc thiên vị bất kỳ đảng phái nào.
Đôi khi, Chủ tịch có thể đảm nhận vai trò trọng tài trong các cuộc tranh luận và duy trì trật tự trong Hạ viện bằng cách đảm bảo các thủ tục được tuân thủ. Chủ tịch có thể kéo dài hoặc rút ngắn thời gian tranh luận trước khi các dự luật hoặc kiến nghị được biểu quyết.
Kết quả: vấn đề quan trọng bị lu mờ
Bất chấp việc Hạ viện thông qua kiến nghị kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, công chúng chắc chắn sẽ đặt câu hỏi chuyện gì đang xảy ra ở cơ quan lập pháp.
Sự tức giận của một số nghị sĩ – những người đang kêu gọi Chủ tịch Hạ viện từ chức vì vi phạm quy tắc về thủ tục, đã làm lu mờ hoàn toàn chủ đề thực sự của cuộc tranh luận (cuộc xung đột ở Israel và Gaza, cũng như thảm họa nhân đạo). Mặc dù các động thái trong ngày của phe đối lập không có tính ràng buộc đối với chính phủ và cuộc bỏ phiếu này sẽ không dẫn đến lệnh ngừng bắn, nhưng đây là một vấn đề quan trọng đối với các nghị sĩ - và đối với công chúng rộng rãi hơn.