Cán bộ là dây chuyền của bộ máy, dây chuyền không tốt thì bộ máy cũng tê liệt
Nếu V.I Lênin đã coi vấn đề cán bộ là vấn đề “mấu chốt” của cách mạng Nga, của Chính quyền Xô Viết, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói với chúng ta “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.5, tr.309). Ở một chỗ khác Bác cũng nói: “Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ bộ máy cũng tê liệt.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.68).
![]() | |
Bác Hồ với các trí thức cách mạng là Đại biểu Quốc hội. | Ảnh tư liệu |
Năm 1956, trong thư gửi đồng bào khu Tự trị Việt Bắc, Bác nhấn mạnh thêm: “Cán bộ quyết định mọi việc. Công việc thành hay bại một phần lớn do tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.415).
Ngay từ những năm 1924 đến giữa năm 1927, Bác đã lựa chọn và tập hợp những người có tinh thần yêu nước và những người cách mạng tiên tiến tổ chức và đào tạo bồi dưỡng họ thành những cán bộ nòng cốt đầu tiên cho Đảng sau này. Bằng việc tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, liên tiếp mở các lớp huấn luyện về phương pháp làm cách mạng, Bác đã gieo những hạt giống đỏ cách mạng đầu tiên vào cái mảnh đất “đang sôi sục, đang gào thét”, đang chuẩn bị cho những sự “bùng nổ” một cách ghê gớm. Qua mười lớp huấn luyện Bác đã trực tiếp đào tạo được khoảng 200 người, sau này là những cán bộ nòng cốt trung kiên của Đảng. Trong số đó có một số người được Bác tuyển chọn gửi vào học trường chính trị quân sự Hoàng Phố và Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Đấy là chưa kể những người Việt Nam yêu nước đi từ Pháp đến Matxcơva, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, và với sự cộng tác của Bác.
Chính là thông qua những lớp cán bộ đầu tiên này mà học thuyết cách mạng Mác - Lênin và tư tưởng về con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏa rộng ra trên khắp đất nước Việt Nam, đã ăn sâu bén rễ vào giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân đông đảo, mà chủ nghĩa thực dân Pháp dù điên cuồng tàn bạo đến mấy cũng không thể ngăn cản, đẩy lùi và tiêu diệt nổi. Hai chữ Cộng sản đã không còn là một ảo ảnh, không còn là một “bóng ma” ẩn hiện nữa, mà đã xuất hiện như một lý tưởng, một chủ nghĩa với sức mạnh khổng lồ, hiện hữu sừng sững trước mặt bọn đế quốc thực dân, với cái tên Nguyễn Ái Quốc, làm cho chúng phải run sợ, với những lớp cán bộ cách mạng mỗi ngày một nhiều lên. Rõ ràng là phải có những lớp cán bộ đầu tiên này phong trào cách mạng ở trong nước mới lan rộng, mới dâng cao, mới xuất hiện ba tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, để Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời vào tháng 2.1930. Vấn đề cán bộ đã thực sự có ý nghĩa quyết định cho việc thành lập Đảng và đưa cách mạng lên một cao trào mới, đánh dấu một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt khi Đảng ta trở thành một Đảng cầm quyền, những nhiệm vụ mới, những yêu cầu mới đòi hỏi Đảng ta phải có một đội ngũ cán bộ đông hơn gấp trăm, gấp ngàn lần, đội ngũ cán bộ ấy phải có mặt ở mọi ngành, mọi cấp, trên khắp các lĩnh vực đấu tranh và xây dựng với phẩm cách cao hơn, hết lòng vì nước vì dân. Chúng ta đã thấy rõ là trong suốt 24 năm trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành không biết bao nhiêu tâm lực cho vấn đề cán bộ và, hàng loạt vấn đề cán bộ đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, luôn canh cánh trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Bác đã từng bước giải quyết một cách hợp lý hàng loạt vấn đề về cán bộ như: Việc đào tạo và sử dụng cán bộ, trách nhiệm của Đảng đối với công tác cán bộ, việc học hỏi, phấn đấu, rèn luyện của cán bộ và đảng viên để trở thành những cán bộ tốt của Đảng, của nhân dân… Tất cả những nội dung ấy đã được xác định rất rõ ràng cả về mặt quan điểm cũng như về mặt phương pháp, cả về trước mắt cũng như về lâu dài, cho hôm nay và cho cả mai sau.
Đặt lòng tin và kỳ vọng vào những đội ngũ cán bộ đang tiếp bước đi lên
Bác đã quan tâm đến vấn đề cán bộ với tầm nhìn xa rộng của một lãnh tụ vĩ đại, với sự ân cần hết lòng của một người Thầy kính mến, với tình thương bao la của một người Cha, người Bác gần gũi, lúc nào cũng đặt lòng tin và kỳ vọng vào những đội ngũ cán bộ đang tiếp bước đi lên.
Theo Bác, những tiêu chuẩn của cán bộ phải bao gồm cả hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không được coi nhẹ mặt nào. Người yêu cầu Đảng phải đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Nếu “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” thì “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Việc đó không được làm qua loa, đại khái hay “bôi bác” như Người đã nói: Đó là công việc mà Đảng phải bỏ nhiều công sức, phải được tiến hành “chu đáo”, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.313). Giống cây có tốt nhưng nếu không được chăm sóc cẩn thận thì cũng không tránh khỏi sâu bệnh, đi đến cằn cỗi, thui chột, không thể đơm hoa, kết trái, không thể phát triển được.
Trong việc sử dụng cán bộ, Bác đã để lại cho chúng ta những lời dạy quý báu.
Bác đã chỉ ra rang: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng, chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.88). Nếu “không biết tùy tài mà dùng người”, chẳng khác gì “thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng”. Bác khẳng định: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ những ưu điểm của họ”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.314). Thật là nhân văn. Cũng không thể có một cán bộ nào mà bất cứ ném vào một lĩnh vực nào, một chuyên môn nào cũng có thể đảm đương nổi và làm tốt được công việc. Điều này đúng như Lênin đã từng nhắc nhở là khi đi vào chủ nghĩa xã hội thì mỗi người hãy cố gắng học cho thật thông thạo một nghề thôi, hãy làm cho thật tốt một trách nhiệm thôi. Thế mà vẫn có những cán bộ thích lãnh đạo chung chung, vẫn có những người phụ trách, lãnh đạo dám ôm vào mình hàng chục việc một lúc để rồi không làm việc nào đến nơi đến chốn dẫn đến hậu quả là tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội, xu nịnh, lợi dụng và sản sinh ra đủ thứ tệ hại như chúng ta đã biết.
Trong việc sử dụng cán bộ, Bác rất chú ý đến việc cất nhắc, đề bạt cán bộ một cách đúng đắn. Cất nhắc đề bạt, theo quan điểm của Bác là “vì công tác, vì tài năng” chứ không thể “vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang”. Tư tưởng của Bác rất cụ thể, rất thiết thực: “Cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ động đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.321).
Bác cũng lưu ý các cách làm của cán bộ lãnh đạo của ta trong việc đối xử với cán bộ: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống. Chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Nếu cán bộ bị nhấc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.322).
Việc cất nhắc, đề bạt cán bộ càng ở cương vị phụ trách, lãnh đạo cao, càng phải thận trọng chính xác, vì đối với những người đó phạm vi phụ trách càng rộng, quyền hạn phụ trách càng lớn thì tác động và ảnh hưởng sẽ càng nhiều. Chính vì vậy Người đã lưu ý chúng ta: “Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”. Phải quý cán bộ, thương yêu cán bộ, săn sóc cán bộ, lúc nào cũng cần đem đến cho họ những điều tốt đẹp để họ làm tròn bổn phận là người đầy tớ của nhân dân. Bác nói: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, phải tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc đấu tranh, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.322).
Sử dụng cán bộ không phải là chỉ đối với từng người, mà còn đối với cả một đội ngũ cán bộ. Trong đội ngũ cán bộ có lớp già, lớp trẻ, lớp cũ, lớp mới. Việc kết hợp giữa các thế hệ cán bộ là vấn đề Đảng phải rất quan tâm và có kế hoạch chu đáo.
Về mối quan hệ, học hỏi giữa cán bộ già và cán bộ trẻ, Bác nói: “Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến bộ được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn, cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr.278).
Những điều Bác nói về vấn đề cán bộ cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nhưng chúng ta vẫn thấy như đang nói về hôm nay, về tình hình hiện nay của chúng ta. Bởi vì không ít người trong đội ngũ cán bộ chúng ta biết rất rõ về những tiêu chuẩn cán bộ đảng viên nhưng vẫn chưa phấn đấu rèn luyện theo những tiêu chuẩn ấy. Bởi vì không ít những cấp bộ Đảng vẫn chưa thực hiện được đúng những quan điểm và phương pháp đào tạo, sử dụng cán bộ như Bác đã vạch ra. Đảng ta đòi hỏi toàn Đảng phải nhanh chóng khắc phục những khuyết điểm sai lầm trong lĩnh vực này.
Những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội hiện nay chỉ có thể giải quyết được nếu chúng ta làm tốt vấn đề tổ chức cán bộ từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên theo quan điểm của Bác và của Đảng ta. Nếu cán bộ như Bác nói, là cái gốc của mọi công việc thì làm tốt vấn đề tổ chức cán bộ cũng là công việc gốc để làm chuyển biến tình hình kinh tế, xã hội hiện nay của cả đất nước ta.