Mỗi năm có 8 triệu ca tử vong do thuốc lá gây ra

- Thứ Năm, 23/11/2023, 11:50 - Chia sẻ

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 23.11.

Mỗi năm có 8 triệu ca tử vong do thuốc lá gây ra -0
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Đỗ Quyên

Theo ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Theo đó, phải mất 1,4 nghìn tỷ USD chi phí hàng năm cho chi phí chăm sóc sức khoẻ và giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra.

Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.

Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn - 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới -0
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Đỗ Quyên

Cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3 tại ASEAN và có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Mặt khác, theo nghiên cứu tại bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.

Đặc biệt, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam đạt khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).

Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới -0
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá (Bộ Y tế) cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam. Ảnh: Đỗ Quyên

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022 - 2023 cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 42,3% (năm 2020) xuống 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi là 97,1%; gây đột quỵ là 80,9%; gây bệnh tim mạch là 77,8%; tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 87,7%.

"Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu tại nước ta trong nam giới đã giảm trung bình khoảng 0,5%/năm nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn còn rất cao, đặc biệt là trong nam giới là 38,9%, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh năm 2022 - 2023. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt tại các cấp" - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới -0
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: Đỗ Quyên

Chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như với thuốc lá thông thường, hàm lượng nicotine là 1,5% - 2%; cao nhất là 3% (dành cho người nghiện nặng, hút 2 bao/ngày) thì trong thuốc lá điện tử ngoài hàm lượng nicotine, còn có nhiều chất độc với khả năng gây nghiện cao. Trong đó phải kể tới acetaldehyde; acrolein; formaldehyde; vitamin E acetate; các hydrocarbon thơm đa vòng; propylene glycol; glycerin; các nitrosamine; Cadmium; Chì; Niken... Đáng nói là thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống.

Phân tích tổng hợp từ 6.619 nghiên cứu ở người tuổi từ 13 - 19 giai đoạn từ năm 2005 - 2019 tại châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, hút thuốc lá điện tử làm tăng sự bắt đầu hút thuốc lá thông thường ở thiếu niên; hút thuốc lá điện tử ở tuổi 14 dẫn tới tăng nguy cơ hút thuốc lá thông thường ở tuổi 17. Hơn nữa, hiện nay có hơn 400 thương hiệu với khoảng 15.000 hương liệu từ trên 1.200 nhà cung cấp.

Đối với tim mạch, thuốc lá điện tử khiến tế bào lòng mạch máu chết sớm, tiếp xúc kéo dài gây cứng thành động mạch, rối loạn chức năng về mạch, giảm lưu lượng dòng máu; trực tiếp thay đổi cấu trúc và chức năng tim, gây suy tim, bệnh cơ tim; gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Đối với đường hô hấp, thuốc lá điện tử làm tăng tính phản ứng đường hô hấp; tăng sức cản đường thở, viêm và tắc nghẽn đường thở; khởi phát hen, gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mạn (qua nhiều nghiên cứu trên người); giảm khả năng đề kháng của đường hô hấp với vi trùng và nguy cơ gây ra ung thư.

Đối với hệ miễn dịch, thuốc lá điện tử gây giảm khả năng chống vi khuẩn, virus; thay đổi cấu trúc đường hô hấp theo hướng giúp vi khuẩn phế cầu dễ xâm nhập gây viêm phổi; tiếp xúc thuốc lá điện tử, khi bị nhiễm Rhinovirus gây bệnh ở người sẽ khiến tải lượng virus tăng, tình trạng viêm nặng hơn, khả năng đề kháng giảm đi; làm giảm biểu hiện của hơn 300 gene liên quan miễn dịch... Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử có thể gây đau đầu, chóng mặt, hốt hoảng, lo lắng; giảm tập trung, khó ngủ hay nghiện, lệ thuộc vào nicotine...

"Hóa chất trong thuốc lá điện tử thường xuyên thay đổi, dễ làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục, không thể giải quyết hiệu quả, dẫn tới tăng gánh nặng toàn xã hội" - TS. Nguyễn Trung Nguyên khẳng định.

Đó cũng là lý do mà nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử. Điển hình như Trung Quốc -  nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử (nhiều nhất trên thế giới); đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10.2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử)...

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hiện nay, có hơn 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới, trong đó ở người trưởng thành, nam giới là 847 triệu, nữ giới là 153 triệu người; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên 13 - 15 tuổi là 24 triệu người. Trong đó, 226 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá sống trong đói nghèo trên toàn thế giới; hơn 10% thu nhập của hộ gia đình chi tiêu cho sản phẩm thuốc lá - đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ; 80% người hút thuốc trên thế giới sống ở nước thu nhập thấp và trung bình.

Đỗ Quyên
#