Thừa Thiên Huế

Bảo đảm người cao tuổi được chăm sóc sức khoẻ

Để bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ tốt nhất các điều kiện để người cao tuổi có thể tiếp cận được các điều kiện chăm sóc sức khỏe, tránh tình trạng có những người cao tuổi không được tiếp cận bất kỳ một dịch vụ chăm sóc nào.

Bảo đảm người cao tuổi được chăm sóc sức khoẻ -0
Người cao tuổi được ưu tiên trong khám chữa bệnh, lập sổ theo dõi và khám sức khỏe định kỳ

Triển khai hiệu quả nhiều chính sách

Theo thống kê, đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 183.127 người cao tuổi chiếm 15,1% dân số toàn tỉnh. Người cao tuổi được ưu tiên trong khám chữa bệnh, lập sổ theo dõi và khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh lý nền được quan tâm đặc biệt. Về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, toàn tỉnh có 35.663 người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng và 154 cụ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Chi cục Dân số -Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, tỷ lệ bệnh tật của nhóm người cao tuổi khá cao, đa dạng từ bệnh tật cấp tính, mãn tính cho đến những bệnh lý, rối loạn đặc trưng của người cao tuổi. Bệnh cấp tính chủ yếu là các bệnh thông thường như đau đầu, chóng mặt, ho, đau khớp, đau lưng. Bệnh mãn tính thường gặp bao gồm bệnh về giác quan, tim mạch, xương khớp, nội tiết – chuyển hóa, tiêu hóa... Đáng chú ý, những bệnh lý, rối loạn của người cao tuổi như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, trầm cảm, sa sút trí tuệ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang có xu hướng tăng nhanh.

Thời gian qua, để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp nâng cao sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của đất nước, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách cụ thể. Theo đó, để bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, Chi cục Dân số -Kế hoạch hoá gia đình tỉnh đã phối hợp với Hội Người cao tuổi triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực.

Đơn cử, chương trình Truyền thông, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Theo đó, song song với công tác động viên, giúp đỡ về tổ chức, sinh hoạt, rèn luyện, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi là hoạt động quan trọng của các cấp hội người cao tuổi. Tại các buổi truyền thông, người cao tuổi sẽ được tuyên truyền pháp luật, phổ biến những thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, đồng thời lồng ghép kỹ năng phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng dành cho người cao tuổi, góp phần quan trọng trong việc hạn chế các nguy cơ về bệnh tật và lão hóa.

Chi cục Dân số -Kế hoạch hoá gia đình tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi năm 2023 tại địa bàn triển khai chiến dịch huyện A Lưới vào cuối tháng 9 vừa qua.

Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách

Theo đại diện Chi cục Dân số -Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 8 tháng năm 2023, gần 1.900 người cao tuổi được tiếp cận thông tin thông qua 48 buổi sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi; hơn 4.400 người cao tuổi khác tham gia 54 buổi nói chuyện chuyên đề lồng ghép khám sức khỏe. Nhiều xã, phường, thị trấn cũng đã triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường cung cấp thông tin về thực trạng già hóa dân số, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi.

Song song với các hoạt động chắm sóc sức khoẻ, nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh cũng đã được xây dựng và triển khai như mô hình các Trung tâm chăm sóc người cao tuổi tập trung, mô hình chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, mô hình chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở y tế. Không chỉ tạo thói quen thăm khám định kỳ cho người cao tuổi, các hoạt động còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở chủ yếu vẫn do ngành y tế đảm nhận, thiếu sự liên kết giữa các ban ngành, đoàn thể địa phương. Các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố Huế chưa có khoa lão khoa chuyên biệt. Công tác tuyên truyền ở cơ sở của đội ngũ cộng tác viên y tế - dân số, cán bộ Hội Người cao tuổi cấp xã còn nhiều hạn chế. Các Câu lạc bộ người cao tuổi chỉ mới dừng lại ở mức độ sinh hoạt tại cộng đồng, chưa thực hiện được công tác tư vấn trực tiếp đến các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình có người cao tuổi sinh sống.

Để bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ tốt nhất các điều kiện để người cao tuổi có thể tiếp cận được các điều kiện chăm sóc sức khỏe, tránh tình trạng có những người cao tuổi không được tiếp cận bất kỳ một dịch vụ chăm sóc nào. Phải khắc phục những trường hợp người cao tuổi không được chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, là đối tượng người cao tuổi yếu thế, người khuyết tật, người có bệnh, người già neo đơn, người cao tuổi bị bạo hành, ngược đãi.

Sức khỏe