Theo đó, Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 2.8 của Ban Dân Nguyện – Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng về việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi, giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cho người lao động tại các đơn vị giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; đồng thời ban hành quy định về quản lý nợ bảo hiểm y tế.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, người lao động tại các đơn vị giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì không có thu nhập từ tiền lương vì vậy không thể đóng bảo hiểm y tế, họ cũng khó có thể chuyển sang đóng bảo hiểm y tế tại các nhóm khác vì họ đang có hợp đồng lao động và phải đóng theo nhóm này (trong tình trạng tạm dừng hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động).
Vấn đề kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp và xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, để tháo gỡ khó khăn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ Y tế đã đề xuất và dự thảo trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nội dung này theo hướng: người lao động trong thời gian tạm dừng, tạm hoãn hợp đồng lao động thì được tham gia Bảo hiểm y tế theo nhóm tự đóng tượng tự như đóng theo hộ gia đình (nhóm 5).
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm, ngày 19.10.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP cũng quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm y tế và không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.