Mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho con người. Chính vì vậy, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ gợi ý, một số bệnh thường gặp sau khi xảy ra mưa bão, lũ lụt như sau:
Bệnh tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa lũ. Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter…).
Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy.
Các bệnh về da
Mưa bão thường kéo theo điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, độ ẩm tăng cao do mưa còn làm tổn hại đến hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị tổn thương hơn.
Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm, ghẻ, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa, chốc lở…
Bệnh về mắt
Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn là những nguyên nhân khiến nhiều người mắc các bệnh về mắt như nhiễm trùng mắt, đau mắt đỏ, viêm mí mắt…
Triệu chứng thường gặp của các bệnh về mắt có thể bao gồm: khó chịu, mẩn đỏ và kích ứng, cũng như nhiễm trùng mí mắt (mụn mắt – sưng đau trên mí mắt) và viêm kết mạc (mắt đỏ/hồng) kèm theo dính mắt.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và bùng phát trên diện rộng, nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng và nguy hiểm tính mạng.
Do sự thay đổi nhiệt độ, nước đọng ở nhiều nơi, điều kiện vệ sinh ở vùng ngập lụt thiếu thốn, muỗi vằn gây sốt xuất huyết sinh sản dễ dàng, làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Thông thường, mùa mưa bão hàng năm cũng đồng thời là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi.
Để phòng, chống các dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa bão, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chú trọng an toàn thực phẩm, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Cụ thể:
- Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy; thu gom, xử lý, chôn xác súc vật.
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch sẽ và lau khô kẽ ngón chân.
- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi.
- Khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất khi nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
- Ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi.
- Chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh.
- Khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bác sĩ lưu ý, khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tránh những biến chứng nguy hiểm và hạn chế nguy cơ bùng phát thành dịch.