Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phòng chống bạo lực gia đình

- Thứ Bảy, 21/10/2023, 09:15 - Chia sẻ

Theo các chuyên gia, dù bạo lực gia đình, bạo lực giới không phải là vấn đề của riêng nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, mà là của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội, tuy nhiên phụ nữ dân tộc thiểu số gặp những rào cản và thách thức đặc thù hơn.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phòng chống bạo lực gia đình   -0
Công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng

Muôn vàn lý do

Bạo lực giới và bạo lực gia đình trong cả nước nói chung, ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng, là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Vấn nạn này đang đẩy một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng trở nên bị tách biệt, tụt hậu trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi và phát triển như hiện nay.

Trong tổng số hơn 14 triệu người dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,9%%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ dân tộc thiểu số đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).

Theo thống kê, có muôn vàn lý do gây nên bạo lực gia đình, mà đối tượng gây bạo lực gia đình, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia, cờ bạc, nghiện ma tuý; trình độ dân trí thấp; thiếu hiểu biết pháp luật. Đặc biệt là những trường hợp đàn ông là người dân tộc thiểu số, có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiểm soát được bản thân dẫn đến các hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng bởi các phong tục lạc hậu, trọng nam khinh nữ, nhận thức người dân thấp; gia đình thường đông con, kéo theo đó là đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn.

Những năm qua, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) đã có nhiều phân tích các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Theo đó, bạo lực đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng do chồng hoặc bạn tình gây ra thường là dạng bạo lực phổ biến nhất mà phụ nữ phải hứng chịu. Các hình thức bạo lực gồm: bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi. Trong đó, có đến 33,8% phụ nữ dân tộc thiểu số bị kiểm soát hành vi, 24,1% phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời, trong khi tỷ lệ tương ứng ở nhóm phụ nữ dân tộc Kinh chỉ là 26% và 19,9%.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phòng chống bạo lực gia đình   -0
Tập huấn mô hình "Gia đình toàn mỹ" tại tỉnh Điện Biên

Công tác thông tin truyền thông đóng vai trò quan trọng

Theo các chuyên gia, dù bạo lực gia đình, bạo lực giới không phải là vấn đề của riêng nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, mà là của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội, tuy nhiên, phụ nữ dân tộc thiểu số gặp những rào cản và thách thức đặc thù hơn. Bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra phức tạp, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của người dân và các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này là rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh giáo dục cho cả nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là giới trẻ các quy định của pháp luật về quyền của phụ nữ, về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; các cơ chế và bộ máy có trách nhiệm bảo vệ quyền của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở Trung ương và địa phương. Đồng thời, khuyến khích nhân rộng hình thức ký cam kết hộ gia đình không có bạo lực gia đình và coi đây là một trong những hình thức thông tin truyền thông, giáo dục có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ pháp lý và trợ giúp pháp lý miễn phí. Nghiên cứu áp dụng hình thức tòa án lưu động tại cộng đồng để mọi người dân dân tộc thiểu số có thể tham dự. Đây là một biện pháp tốt nhằm thúc đẩy việc trao quyền pháp lý cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bảo Văn
#