Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh
Hiện nay, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã và đang duy trì, cải tiến chất lượng các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn khám, chữa bệnh hiện có. Đồng thời, phát triển, bổ sung, mở rộng phạm vi dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh; triển khai áp dụng hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phác đồ điều trị mới do Bộ Y tế ban hành.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cùng với sự phối hợp của các bác sĩ Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ Khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày. Đây là kết quả của việc triển khai có hiệu quả Đề án 1816, phối hợp với bệnh viện tuyến trên nhận chuyển giao nhiều gói kỹ thuật chuyên sâu và cập nhật những kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế tại chỗ.
Năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận ghi nhận hơn 200.000 lượt người đến thăm khám; số lượt bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú, ngày điều trị nội trú đều tăng so cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện chính là lý do khiến lượt khám, chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng.
Theo báo cáo năm 2024, tính tới thời điểm hiện tại, chưa xảy ra sai sót, tai biến trong chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng tại tất cả các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, cho thấy ngành y tế tỉnh đang từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn tồn tại một số hạn chế cần phải sớm khắc phục để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cụ thể, cơ sở vật chất tại một số nơi đã xuống cấp, chưa được đầu tư xây mới; trang thiết bị cũ, hư hỏng, chưa có nhiều trang thiết bị hiện đại; nhân lực y tế còn thiếu, đặc biệt là thiếu bác sĩ ở tuyến huyện.
Tỷ lệ dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh thực hiện theo phân tuyến chuyên môn còn thấp và tỷ lệ chuyên môn sâu chưa cao nên chưa triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao. Từ đó, dẫn đến một số cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn về tự chủ tài chính cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của đơn vị.
Chú trọng chuyên môn, nâng cấp trang thiết bị
Để khắc phục những khó khăn, ngành y tế đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đạt tiêu chuẩn hạng I, giai đoạn 2023 - 2028. Chú trọng đẩy mạnh giáo dục y đức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động gắn với thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút nguồn nhân lực ngành y tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa khu vực, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế. Trong đó, thực hiện khẩn trương việc rà soát, lập dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở y tế xuống cấp và mua sắm trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Song song với cải thiện cơ sở hạ tầng, ngành y tế tiếp tục triển khai Đề án 1816, tập trung phát nguồn nhân lực bằng cách đẩy mạnh việc đào tạo chuyên sâu, nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên.
HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 02 về chủ trương đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận sẽ được đầu tư đồng bộ, phát triển toàn diện về các mặt như cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, cung ứng các dịch vụ kỹ thuật cao. Đây cũng sẽ là nơi chỉ đạo tuyến cho hệ thống khám, chữa bệnh trong tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đặng Thức Anh Vũ, ngành y tế tỉnh sẽ tranh thủ các chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ nhân lực y tế, nhằm nâng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế. Một nội dung cũng được chú trọng giúp nâng cao chất lượng điều trị là đẩy mạnh liên kết, nhận chuyển giao, làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương tại TP. Hồ Chí Minh.
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh cũng được ngành y tế tỉnh Bình Thuận quan tâm và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện trong năm 2024; đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện các nền tảng số y tế đã triển khai.