Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm từ biến chứng viêm xương hàm sau nhổ răng

Sau khi nhổ răng hàm dưới bên trái, người bệnh P.T.L (65 tuổi, Phú Thọ) gặp phải tình trạng vết thương không liền, đau nhức kéo dài kèm theo chảy mủ. Kết quả, bệnh nhân bị viêm hoại tử xương hàm dưới bên trái trên người bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm do biến chứng viêm xương hàm sau nhổ răng -0
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt của người bệnh trước khi được điều trị (Ảnh: BVCC)

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, cách đây 4 tháng, xuất hiện đau nhức răng hàm (hàm dưới bên trái) nên đã đi khám và nhổ răng số 37 tại một phòng khám răng tư nhân.

Sau khi nhổ răng, người bệnh bị đau nhức kéo dài liên tục, vùng nhổ răng xuất hiện sưng nề, chảy dịch. Hơi thở xuất hiện mùi hôi khiến người bệnh rất khó chịu và mệt mỏi.

Mặc dù, người bệnh đã tự mua thuốc điều trị tại nhà nhiều tháng nhưng không khỏi. Sau đó, người bệnh đã đến khám và điều trị tại tại cơ sở y tế gần nhà nhưng cũng không hiệu quả.

Quá mệt mỏi với những cơn đau, người bệnh đã tới khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ để được thăm khám và điều trị.

Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm máu tổng quát, chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt, người bệnh được chẩn đoán: viêm hoại tử xương hàm dưới bên trái trên người bệnh đái tháo đường (tại vị trí răng đã nhổ vẫn còn mảnh xương chết chưa được lấy hết).

Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm do biến chứng viêm xương hàm sau nhổ răng -0
Ekip phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật: nạo vét ổ viêm, lấy mảnh xương chết. Sau phẫu thuật 2 ngày, vết mổ đã ổn định, không còn chảy dịch. Sau phẫu thuật 5 ngày, người bệnh gần như hồi phục hoàn toàn, không còn đau nhức, không còn sưng, viêm và được ra viện.

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, viêm xương hàm là một trong những biến chứng có thể gặp sau khi nhổ răng, đặc biệt trên người bệnh mắc các bệnh toàn thân mãn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch….

Qua đó, người bệnh không được xử lý triệt để tình trạng tại chỗ như: xương ổ viêm hay nang chân răng trong khi nhổ răng. Vì vậy, trước khi nhổ răng, người bệnh cần được thăm khám, làm các xét nghiệm tổng quát và chỉ định cận lâm sàng cần thiết tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín.

Đặc biệt, khi xuất hiện những dấu hiệu đau nhức, sưng nề sau nhổ răng người bệnh nên đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài viêm xương hàm, sau khi nhổ răng còn có thể gặp một số biến chứng như: đau, viêm lợi, viêm huyệt ổ răng. Do vậy, để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra sau khi nhổ răng, người bệnh nên chọn địa chỉ nha khoa uy tín để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

Đồng thời, với những người bệnh gặp phải các biến chứng trên nền có bệnh lý toàn thân, sau khi điều trị ổn định người bệnh vẫn phải theo dõi, kiểm tra định kỳ thường xuyên.

Sức khỏe

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ y tế Nguyễn Trọng Khoa cùng các diễn giả trao đổi
Sức khỏe

Trao đổi ứng dụng bộ công cụ tinh gọn trong y tế

Chiều 5.10, tại phòng Read Station Huỳnh Thúc Kháng Hà Nội đã diễn ra buổi trao đổi ra mắt cuốn sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế”. Đây là bộ tài liệu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bền vững, phù hợp với nguồn lực còn hạn chế tại các cơ sở y tế Việt Nam.