Tham gia buổi trao đổi có Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế Nguyễn Minh Lợi; Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa và các diễn giả Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường; Phó giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng Lý Quốc Trung; Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Nguyễn Bích Lưu.
Tại buổi trao đổi, các diễn giả cho biết ngành y tế các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam vẫn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức như: quá tải bệnh viện khiến thời gian chờ đợi khám bệnh lâu, những sai sót y khoa có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân hay quy trình chưa chuẩn hóa khiến các dịch vụ còn thiếu sự đồng đều.... Điều này khiến các nhà quản lý y tế luôn phải đi tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện an toàn người bệnh, đồng thời vừa phải đảm bảo thu – chi, vừa phải đáp ứng khả năng chi trả của bệnh nhân.
Từ công việc thực tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường khẳng định việc ứng dụng công cụ tinh gọn trong y tế ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ giảm thời gian chờ đợi đăng ký khám của người bệnh, còn tăng chất lượng khám, chữa bệnh. Bệnh nhân khi vào bệnh viện đa khoa Đức Giang sẽ không còn cảm giác mệt mỏi vì bệnh viện đã ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh.
Cụ thể, trước đây mỗi lần đến khám, bệnh nhân đăng ký khám tại bộ phận tiếp nhận, sau khi khám xong lại phải xếp hàng chờ đợi lấy thuốc mới ra về. Hiện nay, đã thay đổi “Thuốc đợi bệnh nhân” chứ không để “bệnh nhân chờ thuốc” như trước đây, có nghĩa là khi bệnh nhân đến đăng ký khám tại quầy tiếp nhận và được phân về các phòng khám, sau khi khám xong, bác sĩ cho đơn thuốc bệnh nhân chỉ đến quầy thuốc đọc tên là lấy thuốc ra về. Đặc biệt, hiện 97% bệnh nhân tại Bệnh viện Đức Giang không dùng tiền mặt và đều đã đăng ký ít nhất một lần khám tại bệnh viện nên rất thuận lợi trong việc đăng ký khai hồ sơ và thanh quyết toán.
“Một nhân viên tài chính thu tiền mặt làm hết công suất chỉ đạt 120 giao dịch/ngày. Nếu làm thu chi bằng Thẻ, tài khoản đạt trên 300 giao dịch/ngày. Tương tự, nếu bệnh nhân có sẵn hồ sơ trong máy tính bệnh viện chỉ cần 3 giây, thay vì phải mất 6 phút như trước đây. Nói như thế để thấy rằng ứng dụng bộ công cụ tinh gọn trong y tế có lợi như thế nào”, Giám đốc Nguyễn Văn Thường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng Lý Quốc Trung nhấn mạnh: Trong công tác vận hành chăm sóc sức khỏe, quy trình chuẩn là một yếu tố quan trọng trong việc xóa bỏ lãng phí quy trình, đảm bảo an toàn người bệnh, việc xây dựng quy trình chuẩn dựa trên thực tiễn để áp dụng được. Còn Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Nguyễn Bích Lưu cho rằng, các bệnh viện cần xây dựng quy trình chuẩn, trong đó quy trình kiểm tra, giám sát cần quan tâm sát sao, từ đó phát hiện sớm để khắc phục, tránh xảy ra sai sót. Để phòng tránh lỗi, bà Lưu cho rằng cần bổ sung 4 yếu tố: kiểm tra tại nguồn; kiểm tra 100%; khi phát hiện ra sai sót thì phải phản hồi ngay; sử dụng các giao thức hệ thống phòng, tránh lỗi.
Ở góc nhìn nhà quản lý, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ: Trong bối cảnh các bệnh viện từng bước chuyển dần sang cơ chế tự chủ, các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ để tạo được sự tin tưởng của người bệnh đang trở thành vấn đề sống còn của các bệnh viện. Bằng cách áp dụng các công cụ tinh gọn như xây dựng quy trình chuẩn, Kaizen, lập sơ đồ chuỗi giá trị phòng tránh lỗi và phương pháp JIT các cơ sở y tế sẽ đạt được nhiều chuyển biến tích cực ở nhiều khía cạnh giảm thiểu sai sót y khoa; nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường sự hài lòng người bệnh; giảm chi phí.
Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi cho rằng: Nội dung súc tích với tính thực tiễn và ứng dụng cao, tập trung vào các vấn đề các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt. Các phương pháp đã được kiểm nghiệm và áp dụng thành công tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trên thế giới.