Sau khi Hội đồng Hiến pháp đầu tiên được thành lập tại Pháp vào năm 1958, cùng với bản Hiến pháp mới của nền Cộng hòa thứ V, mô hình bảo hiến của Pháp đã trở thành mô hình giám sát hiến pháp tiêu biểu của châu Âu mà các nhà luật học thường gọi là mô hình giám sát Hiến pháp kiểu Pháp. Dựa trên mô hình này, nhiều quốc gia đã thành lập Hội đồng Hiến pháp của mình như Kazakhstan, Algeria, Campuchia… Đây cũng là một trong những mô hình cơ quan bảo hiến được cho là phù hợp với nguyên tắc và mô hình tổng thể tổ chức bộ máy Nhà nước ở nước ta.
Ban đầu, Hội đồng Hiến pháp được thành lập để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nhưng từ khi được thành lập, Hội đồng Hiến pháp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định của Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật, bảo đảm sự cân bằng và ổn định của cơ cấu quyền lực nhà nước.
Hội đồng Hiến pháp cũng là một mô hình bảo hiến tập trung nhưng mang nhiều yếu tố chính trị hơn là một cơ quan chuyên môn tài phán Hiến pháp như Tòa án Hiến pháp. Cụ thể, trong Hội đồng Hiến pháp của một số quốc gia, các Tổng thống nghỉ hưu thường được coi là thành viên đương nhiên. Với các thành viên khác, tiêu chí tuyển chọn cũng không bắt buộc phải có chuyên môn về pháp luật. Thêm vào đó, quy trình giải quyết vụ việc của các Hội đồng Hiến pháp thường thiếu đặc trưng của thủ tục tố tụng, không mang tính công khai.
Hội đồng Hiến pháp, khi ra đời đầu tiên ở Pháp, chỉ có chức năng kiểm hiến trước, tức là kiểm tra tính hợp hiến của các dự án luật trước khi công bố. Mặc dù vậy, gần đây một số quốc gia áp dụng mô hình này, kể cả Pháp, đã trao cho Hội đồng Hiến pháp quyền kiểm hiến sau (kiểm hiến các đạo luật đã có hiệu lực). Như vậy, Hội đồng Hiến pháp không chỉ là cơ quan tham vấn mà còn có vai trò như một Tòa án đưa ra các phán quyết có tính hiệu lực tuyệt đối. Hội đồng Hiến pháp không bị chi phối bởi bất kỳ cơ quan nào, từ Nghị viện đến Chính phủ hay các cơ quan nhà nước khác, bảo đảm cho ba nhánh quyền lực hoạt động theo phạm vi thẩm quyền mà Hiến pháp quy định.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết khiếu kiện liên quan đến Hiến pháp của công dân, Hội đồng Hiến pháp có vai trò không nhỏ trong việc bảo vệ quyền công dân, được Hiến pháp công nhận.
Ở Pháp, từ lâu việc giải thích các quy định của Hiến pháp thuộc về Hội đồng Nhà nước, nhưng thực tế, việc giải thích này không mấy hiệu quả. Ngày nay, Hội đồng Hiến pháp, bằng các phán quyết của mình, còn có chức năng giải thích Hiến pháp.
Hội đồng Hiến pháp có trách nhiệm bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, sự thống nhất và phát triển của hệ thống pháp luật. Bằng hoạt động của mình, Hội đồng Hiến pháp không chỉ duy trì sự ổn định mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển luật Hiến pháp.
Cho đến nay, sau gần 50 năm tồn tại, Hội đồng Hiến pháp đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong bộ máy nhà nước. Với sự hiện diện của Hội đồng Hiến pháp, các cơ quan tối cao của nhà nước đều phải tôn trọng và tự đặt mình dưới sự điều chỉnh của Hiến pháp.