Luật mới có hiệu lực tại Mỹ năm 2025: Quản lý AI, bảo vệ dữ liệu cá nhân

Người dân Mỹ bước sang năm mới cùng một loạt luật mới dự kiến ​​có hiệu lực trên toàn quốc, điều chỉnh các vấn đề như quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), tăng cường bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng cũng như quản lý thẻ căn cước công dân trên toàn quốc.

6fabcad6-b517-4ea7-958f-7505bfcced2b.jpg
Nguồn: NBC News

Chống AI sao chép, ăn cắp

Hai tiểu bang sẽ đi đầu trong nỗ lực quản lý sử dụng AI để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn của công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.

Tại Illinois, bắt đầu từ năm 2025, cố ý phổ biến bản sao kỹ thuật số do AI tạo ra dựa trên các sản phẩm âm thanh của một cá nhân mà không có sự đồng ý của cá nhân đó là bất hợp pháp. Đạo luật này cũng áp dụng lệnh cấm trong 50 năm đối với việc sử dụng bản sao kỹ thuật số của một cá nhân sau khi họ qua đời nếu trước đó họ không đồng ý với việc sử dụng đó. Lệnh cấm trên sẽ không áp dụng trong trường hợp bản sao kỹ thuật số có giá trị chính trị, lợi ích công cộng, giáo dục…

Viện Hàn lâm Thu âm là cơ quan ủng hộ mạnh mẽ luật này kể từ khi dự luật được đưa ra vào tháng 2. Viện coi việc thông qua luật là một chiến thắng trong việc bảo vệ nghệ sĩ và những nhà sáng tạo trước nguy cơ đến từ AI. Nghị sĩ tiểu bang Illinois Jennifer Gong-Gershowitz, người đã đề xuất dự luật, cho biết động lực để ông thúc đẩy đạo luật xuất phát từ tình trạng AI “ăn cắp” âm nhạc của các nghệ sĩ để sử dụng trong những sản phẩm mà AI tạo ra.

Ông Gong-Gershowitz cho biết: “Các nhà lập pháp đã thực sự lưu tâm đến mối lo ngại của cử tri, về những mối nguy hiểm do AI gây ra, về tính khả dụng của AI như một công cụ, theo cả hướng tích cực, nhưng cũng theo hướng có thể xâm phạm quyền riêng tư của ai đó, hoặc thực sự là đánh cắp sản phẩm, danh tính của họ”.

Ngoài ra, một đạo luật khác cũng bắt đầu có hiệu lực nhằm ngăn chặn vấn nạn khiêu dâm trẻ em do AI tạo ra. Đạo luật này cấm sử dụng công nghệ AI để tạo ra tài liệu khiêu dâm về trẻ em. Luật cũng cấm việc phát tán các hình ảnh kỹ thuật số có nội dung khiêu dâm mà không có sự đồng ý. Nếu vi phạm sẽ bị coi là trọng tội mức độ 4.

Nghị sĩ Gong-Gershowitz cho biết: "Những gì chúng tôi thúc đẩy là để đảm bảo rằng cơ quan thực thi pháp luật có thể truy tố các vụ án khiêu dâm trẻ em mà không cần phải chứng minh rằng hình ảnh đó là của một đứa trẻ cụ thể nào đó". "Mục tiêu là đảm bảo rằng chúng ta không bình thường hóa các loại hình tội phạm nhằm vào trẻ em".

Trong khi đó, California đang nỗ lực giải quyết vấn nạn sử dụng AI trong lĩnh vực giải trí. Một luật mới bắt đầu có hiệu lực, yêu cầu phải có sự đồng ý của những nghệ sĩ trong ngành giải trí mới cho phép AI sao chép giọng nói hoặc hình ảnh của họ. Một đạo luật khác giống như ở Illinois cũng áp dụng lệnh cấm việc sử dụng bản sao kỹ thuật số của một cá nhân sau khi họ qua đời 70 năm.

Tăng cường bảo vệ dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng

8 tiểu bang sẽ áp dụng đạo luật bảo mật dữ liệu cá nhân trong năm nay: Delaware, Iowa, Nebraska, New Hampshire, New Jersey, Maryland, Minnesota và Tennessee.

Luật này áp đặt các nghĩa vụ nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp xử lý dữ liệu cá nhân và trao cho người tiêu dùng quyền minh bạch hơn về cách dữ liệu của họ được thu thập, sử dụng và chia sẻ. Không phải tất cả các công ty đều phải tuân thủ, vì mỗi tiểu bang có các yêu cầu và ngưỡng riêng, chẳng hạn như Nebraska, nơi miễn trừ cho các doanh nghiệp nhỏ.

Luật mới của bang Maryland được đánh giá là khắt khe nhất bao gồm một điều khoản yêu cầu các doanh nghiệp chỉ thu thập dữ liệu cá nhân khi "có lý do hợp lý" để thực hiện dịch vụ hoặc cung cấp hàng hóa. Luật này cũng cấm hoàn toàn việc bán dữ liệu nhạy cảm.

Một chuyên gia về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cho biết trước năm 2020, nước Mỹ có rất ít luật bảo vệ quyền dữ liệu của người dùng nhưng hiện nay, tám tiểu bang có luật có hiệu lực vào năm 2025 đã gia nhập danh sách ngày càng dài gồm 19 tiểu bang đã thông qua luật bảo mật toàn diện.

Quy định mới về căn cước công dân

Bắt đầu từ ngày 7.5.2025, hành khách đi máy bay quốc nội sẽ bị từ chối tại các trạm kiểm soát an ninh sân bay nếu họ không xuất trình được giấy tờ tùy thân đáp ứng các tiêu chuẩn nâng cao của Đạo luật Thẻ căn cước chuẩn hoặc một giấy tờ thay thế được chấp nhận khác, chẳng hạn như hộ chiếu.

Bộ An ninh Nội địa đã nhiều lần trì hoãn thời hạn thực thi Đạo luật Thẻ căn cước chuẩn do đại dịch Covid-19, khiến người dân khó có thể xin được Thẻ căn cước công dân mới tại các sở quản lý xe cơ giới của tiểu bang.

Đạo luật Thẻ căn cước chuẩn được thông qua năm 2005 để tăng cường an ninh hàng không sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001. Do đó, luật cấm các cơ quan liên bang chấp nhận bất kỳ thẻ căn cước nào không đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh đã sửa đổi cho các chuyến bay trong nước. Theo đạo luật này, giấy phép hoặc thẻ căn cước do tiểu bang cấp cũng phải có công nghệ chống làm giả và yêu cầu kiểm tra hồ sơ để cấp. Tất cả các thẻ tuân thủ chuẩn ID thực sẽ có dấu sao ở phần trên của thẻ.

Thế giới 24h

Israel và Hamas chuẩn bị trao đổi thêm con tin trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn
Thế giới 24h

Israel và Hamas chuẩn bị trao đổi thêm con tin trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn

Người dân đã tụ tập tại Tel Aviv và Thành phố Gaza hôm 25.1 để chờ đợi Israel và Hamas tiến hành trao đổi thêm nhiều con tin để đổi lấy tù nhân Palestine. Đây là cuộc trao đổi thứ hai kể từ khi lệnh ngừng bắn bắt đầu ở Dải Gaza vào cuối tuần trước và là một thử nghiệm khác cho thỏa thuận.

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris: Bước lùi đáng tiếc
Thế giới 24h

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris: Bước lùi đáng tiếc

Ngay trong những giờ đầu tiên quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đối với Mỹ, quyết định này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đô la, nhưng đối với phần còn lại của thế giới, điều này sẽ tạo ra làn sóng lo ngại toàn cầu về tương lai phát triển bền vững, đặc biệt khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường.

Ông Donald Trump sẽ làm gì trong ngày đầu tiên trở lại Phòng Bầu dục?
Thế giới 24h

Ông Donald Trump sẽ làm gì trong ngày đầu tiên trở lại Phòng Bầu dục?

Trước thềm lễ nhậm chức vào đêm 20.1 (giờ Việt Nam), Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố, ngay sau khi bước vào Phòng Bầu dục, ông sẽ ký hàng chục sắc lệnh hành pháp để thực hiện lời hứa khi tranh cử. Vậy những lời hứa đó là gì, và liệu những nội dung nào sẽ được thực thi ngay lập tức?