Cho vay 5 dự án với tổng giải ngân 40,5 tỷ đồng
Báo cáo về kết quả thực hiện công tác quản lý, sử dụng các Quỹ Tài chính Nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2020-2022 cho thấy, thời gian qua, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đầy đủ các chức năng của Quỹ, như: Huy động vốn, đầu tư trực tiếp, cho vay đầu tư, góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhận ủy thác quản lý các Quỹ tài chính khác của tỉnh... Đồng thời, quỹ cũng hoạt động tuân thủ pháp luật, Nghị định của Chính phủ và Điều lệ tổ chức hoạt động của Quỹ; những sản phẩm Quỹ trực tiếp đầu tư, cho vay, góp vốn đều mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, chính trị, an ninh, an sinh xã hội;…
Ngoài nguồn vốn điều lệ do Ngân sách cấp, Quỹ đã huy động được nguồn vốn 242,7 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 4%/năm thời hạn vay là 25 năm có 10 năm ân hạn từ Ngân hàng Thế giới góp phần tăng quy mô nguồn vốn của Quỹ thực hiện vốn mồi để cho vay và đầu tư trực tiếp… Hoạt động của Quỹ đã thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực xã hội hóa theo chủ trương của nhà nước, của tỉnh góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước, hiện đại hóa hạ tầng đô thị, tạo cảnh quan, môi trường…
Đặc biệt, việc Quỹ đầu tư trực tiếp nhà ở xã hội góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp, mang đến cuộc sống văn minh, an toàn, ổn định cho khối dân cư nhà ở xã hội. Việc giao Quỹ đầu tư phát triển quản lý uỷ thác các Quỹ tài chính do UBND tỉnh thành lập không làm phát sinh bộ máy, tiết kiệm chi phí hoạt động, tránh tăng biên chế gây lãng phí nguồn ngân sách, đặc biệt hỗ trợ tối đa UBND tỉnh chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng vốn các Quỹ uỷ thác kịp thời cho các lĩnh vực ưu tiên của UBND tỉnh.
Giai đoạn 2020-2022, quỹ đã triển khai cho vay được 5 dự án với tổng giải ngân 40,5 tỷ đồng; bán hết 80% số lượng căn hộ nhà ở xã hội được bán theo quy định của pháp luật đồng thời thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 9 khoản vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, kinh doanh chợ, vận tải công cộng bằng xe buýt… bị thiệt hại bởi Covid-19.
Tuy nhiên, theo Quyền Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Phạm Thái Bình, vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Nghị định 147/2020/NĐ-CP là 300 tỷ đồng, nhưng vốn điều lệ thực có đến thời điểm hiện nay mới đạt 285,3 tỷ (năm 2023 được bố trí trong dự toán thu, chi ngân sách 10 tỷ); còn thiếu hơn 4 tỷ đồng. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đến nay chưa được ban hành theo quy định của Nghị 147/2020/NĐ-CP, do đó Quỹ chưa thể sửa đổi bổ sung các Quy chế hoạt động.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đồng ý cho chuyển phần diện tích nhà ở xã hội cho thuê sang giai đoạn II và cho bán phần diện tích này trong năm 2022 (80 căn hộ), nhưng đến nay Hội đồng xét duyệt vẫn chưa xét duyệt xong, do số lượng hồ sơ đăng ký quá lớn (hơn 400 hồ sơ)…
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư giai đoạn II của dự án thí điểm nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chỉ đạo tại Thông báo số 180/TB-TU ngày 19.10.2021 và UBND tỉnh chỉ đạo tại văn bản số 680/UBND-TH3 ngày 20.2.2023…
Dự án chợ hội Cẩm Xuyên đã hết hạn trả nợ từ lâu, nhưng Công ty chưa trả hết cho Quỹ, mặc dù Quỹ đã dùng mọi biện pháp thu hồi nhưng do Công ty gặp khó khăn về tài chính và không hợp tác trong việc trả nợ.
Tìm kiếm phương thức huy động vốn
Từ thực tế trên, đại diện Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Hà tĩnh đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị với Chính phủ sửa đổi một số chính sách về đầu tư xây nhà ở xã hội, như: Đối với các tỉnh, thành phố từ loại 2 trở xuống (có nhu cầu thuê nhà thấp như Hà Tĩnh), chủ đầu tư nhà ở xã hội được bán phần diện tích dành để cho thuê, nếu sau một năm không có ai thuê, thay vì 5 năm như hiện nay; Hoàn lại thuế giá trị gia tăng cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội hoặc khấu trừ trong thời gian nhất định (có thể là 2 kỳ liên tiếp), nếu không khấu trừ hết số thuế đầu vào thì phải hoàn thuế để khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần sớm kiện toàn Ban Giám đốc để Quỹ ổn định tổ chức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thực hiện bán các căn còn lại của nhà ở xã hội theo Văn bản 173/UBND-XD1 ngày 11.1.2022 theo đúng quy định tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP sau khi có kết quả từ Hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký, xác định đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo Quyết định số 1628/QĐ-UBND ngày 10.8.2022… Đồng thời, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tham mưu điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thí điểm nhà ở xã hội giai đoạn 2 đáp ứng về nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh về kết quả thực hiện công tác quản lý, sử dụng các Quỹ Tài chính Nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2020-2022 mới đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đánh giá: Thời gian qua, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2020-2022, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Đồng thời, đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh hoàn thiện báo cáo tổng quan, rõ nét hơn về hoạt động của Quỹ; xem xét sớm kiện toàn Ban điều hành để Quỹ ổn định tổ chức, thuận lợi trong tổ chức hoạt động… Bên cạnh đó, cần phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu điều chỉnh hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án thí điểm nhà ở xã hội giai đoạn 2 đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục có các giải pháp thu hồi nợ, tìm kiếm phương thức huy động vốn; ban hành các Quy chế theo quy định.