Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn diện
Các ĐBQH cơ bản thống nhất báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ĐBQH Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái) nhấn mạnh, chưa bao giờ Chính phủ quan tâm đến các khâu đột phá như bây giờ, nhất là về thể chế, mặc dù vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng đây vẫn là nỗ lực vượt bậc; đồng thời, ưu tiên nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng, thực hiện tăng trưởng kinh tế đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội…
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đánh giá, điểm nổi bật là công tác ứng phó với bão số 3 (Yagi), Đảng, Nhà nước, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, thăm hỏi, hỗ trợ người dân kịp thời. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ, trợ giúp xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, chỉ còn 2%. Công tác phòng, chống tham nhũng cũng rất quyết liệt.
Tập trung đồng bộ các giải pháp
Tuy nhiên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm này chỉ đạt 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (đạt 51,38%). Khi tiếp xúc cử tri, có thể thấy công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng trật tự đô thị, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, không phép, khai thác vận chuyển mua bán tiêu thụ khoáng sản trái phép còn phức tạp. Đặc biệt, xây dựng bảng giá đất ở địa phương còn lúng túng, nhiều vướng mắc, bất cập nhất là trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng… Đây là nguyên nhân làm giảm nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tồn tại trong báo cáo nêu chưa rõ, chưa có phân tích cụ thể, còn chung chung. Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị cần bổ sung đánh giá về nguyên nhân, số lượng doanh nghiệp đã hiệu quả, thành lập mới, số lần ngưng hoạt động, giải thể trong năm 2024 như thế nào. Từ đó, mới có giải pháp căn cơ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bài bản hơn.
Đại biểu cũng băn khoăn về thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc, đặc biệt là trong đấu thầu…
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối để thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.
Lưu ý bối cảnh này, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để thực hiện tốt kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là giải phóng mặt bằng, từ đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là người đứng đầu quyết định chủ trương đầu tư; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua giám sát, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho biết, những quỹ đất triển khai không đạt yêu cầu thì cần có giải pháp căn cơ, thu hồi, phân bổ lại cho người dân.
"Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt đối với địa phương tập trung chỉ đạo để thực hiện hiệu quả chương trình này, bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích, đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng chính sách giải ngân sớm. Ủy ban Dân tộc phối với hợp Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như mức chi quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng tại Thông tư 55 ban hành trong năm 2023", đại biểu đề nghị.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, tỉnh Bình Phước đang triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Tuy nhiên, các vướng mắc hiện nay liên quan đến khu vực dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các khoáng sản. Bình Phước đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương bởi vấn đề này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở vùng này không triển khai được, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Chính phủ bổ sung các nội dụng, có giải pháp, cơ chế đặc thù.
Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng cho biết, hiện nay, tỉnh Bình Phước còn khá nhiều hộ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Do chương trình cấp điện miền núi, nông thôn, hải đảo trong giai đoạn 2021-2025 được Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt, nhưng đến nay Chương trình này vẫn chưa phê duyệt, dẫn đến không có cơ sở đề xuất nguồn lực hỗ trợ nguồn vốn dự án cấp điện. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn sử dụng điện mặt trời, mái nhà, để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
“Bình Phước đã xây dựng điểm dân cư liền kề biên giới, đưa dân sinh sống, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Do đó, Chính phủ cần có quy định xem xét cơ chế chính sách đối với người dân đưa lên định cư biên giới, được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, tiếp cận nguồn vốn kinh doanh để ổn định cuộc sống”, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu ý kiến.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đề xuất, thời gian tới cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để giải ngân vốn đầu tư công.